Ngày 17/1, loạt lãnh đạo cấp cao của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (HoSE: CII) đã đăng ký mua trái phiếu chuyển đổi CII42301. Cụ thể:

Cụ thể, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc đăng ký mua 831.203 trái phiếu; bà Nguyễn Quỳnh Hương - Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua 322.718 trái phiếu; ông Nguyễn Văn Thành - Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua 499.078 trái phiếu; ông Nguyễn Trường Hoàng - Giám đốc Xúc tiến dự án mua 408.336 trái phiếu; bà Cao Thị Ngọc Vân - Thư ký mua 423.460 trái phiếu

Trước đó, ban lãnh đạo điều hành CII đã bán ra hàng loạt cổ phiếu đang sở hữu. Trong đó, ông Lê Quốc Bình bán ra toàn bộ 6.040.747 (2,13% vốn điều lệ); bà Phạm Thị Thúy Hằng, vợ ông Bình, bán ra toàn bộ 4 triệu cổ phiếu CII (1,41% vốn điều lệ); ông Nguyễn Văn Thành, đăng ký bán 100.000 cổ phiếu trong tổng số 150.000 cổ phiếu đang sở hữu; ông Dương Quang Châu, Giám đốc Phòng Quản lý dự án bán ra toàn bộ 90.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT đăng ký bán toàn bộ 804.454 cổ phiếu.

Trước khi tiến hành bán cổ phiếu CII, ông Bình đã chia sẻ: “CII hiện đang có dòng tiền ổn định, vì vậy, việc mua trái phiếu chuyển đổi CII được xem là một quyết định đầu tư thông minh. Sau khi bán cổ phiếu, tôi sẽ đăng ký mua trái phiếu chuyển đổi và có thể còn đưa thêm tiền để mua trái phiếu phát hành thêm. Đây là một chiến lược đầu tư dài hạn vào CII. Hơn nữa, nếu giữ cổ phiếu không có khả năng mua bán, việc nắm giữ trái phiếu sẽ mang lại lợi ích khi chuyển đổi vì sẽ được nhận được nhiều cổ phiếu hơn”.

Theo quy định hiện hành của pháp luật, trái phiếu chuyển đổi được ưu tiên hơn so với cổ phiếu. Do đó, quyết định của lãnh đạo chuyển đổi từ cổ phiếu sang trái phiếu chuyển đổi đồng nghĩa với việc cổ đông sẽ có quyền ưu tiên hơn khi nhận lãi từ trái phiếu. Ngược lại, việc nhận cổ tức từ cổ phiếu không đảm bảo và phụ thuộc vào kết quả kinh doanh từng quý, từng năm.

Loạt lãnh đạo đồng loạt góp vốn cho CII thông qua trái phiếu chuyển đổi
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII)

Dòng tiền CII được cải thiện

Dưới áp lực của trái phiếu đến hạn, đặc biệt trong giai đoạn năm 2022-2023, CII đã phải đối mặt với áp lực trả nợ gia tăng. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Công ty đã bắt đầu thể hiện những dấu hiệu tích cực.

Vào cuối tháng 12/2023, CII đã hoàn thành việc giải ngân 9.302 tỷ đồng từ khoản vay của Ngân hàng Vietcombank cho hai dự án hạ tầng, bao gồm Dự án BOT Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Dự án BOT Xa lộ Hà Nội. Công ty thông báo rằng giá lãi suất áp dụng cho khoản vay là 8,55% đến 8,7% mỗi năm, với thời hạn vay từ 7 đến 14 năm.

CII đã quyết định thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 4%/quý, tương đương 16%/năm, đều đặn vào đầu mỗi quý. Trước đó, vào ngày 16/10/2023, CII đã chốt danh sách trả cổ tức và thực hiện chia trả vào cuối năm 2023. Điều này phản ánh cam kết ổn định từ phía CII, Tuy nhiên, ông Lê Quốc Bình cũng lưu ý cam kết này không phải là vĩnh viễn, nhưng dự kiến sẽ được duy trì với tình hình tài chính tích cực và các dự án đang sở hữu.

Đến ngày 28/12/2023, CII đã huy động thành công 1.692,3 tỷ đồng thông qua đợt phát hành quyền mua trái phiếu cho cổ đông hiện hữu và tiếp tục chào bán hơn 11,4 triệu trái phiếu cho nhân viên. Sự huy động tài chính từ cổ đông hiện hữu và Vietcombank cung cấp thêm tín dụng cùng với sự tăng giá dịch vụ phí BOT cho thấy dấu hiệu tích cực đối với dòng tiền của CII.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của công ty đã giảm 11,6% so với đầu năm, đạt 12.897,7 tỷ đồng, chiếm 49,5% tổng nguồn vốn, làm tăng niềm tin trong khả năng trả nợ của CII.