Mùa măng cụt năm nay tại tỉnh Vĩnh Long và một số vùng lân cận đang ghi nhận mức sụt giảm sản lượng nghiêm trọng. Nhiều vườn chỉ lác đác vài chùm quả, khiến người trồng lao đao dù giá thị trường đang ở mức cao.

Hiện giá măng cụt dao động từ 40.000 – 80.000 đồng/kg, tăng khoảng 20 – 30% so với các năm trước. Tuy nhiên, do sản lượng quá thấp, nhiều nông dân cho biết không đủ măng cụt để bán, dẫn đến thu nhập gần như không bù nổi chi phí đầu tư.

Măng cụt được giá cao nhưng nông dân xót xa vì một lý do
Tỷ lệ đậu quả của măng cụt ở một số vườn chỉ đạt 20%.

Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè (nay thuộc xã An Ngãi, huyện Phú Tân, tỉnh Vĩnh Long), bà Nguyễn Thuyền Trinh một hộ trồng khoảng 100 gốc măng cụt cho biết năm nay thu hoạch rất ít. “Giá đầu vụ lên tới 70.000 – 80.000 đồng/kg nhưng mỗi lần hái tôi chỉ được một giỏ nhỏ sau hai ngày. Tiền phân bón cho 50 gốc đã hơn 3,5 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc cả năm”, bà Trinh nói.

Theo bà Trinh, măng cụt là loại cây lâu năm, thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài từ 15 – 20 năm mới cho trái ổn định, mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ. Vì vậy, nếu mất mùa thì nông dân xem như trắng tay cả năm.

Măng cụt được giá cao nhưng nông dân xót xa vì một lý do
Măng cụt thưa thớt, lác đác vài quả do thời tiết nắng nóng và bị xâm nhập mặn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở vườn của ông Nguyễn Văn Đạt người có hơn 35 năm gắn bó với nghề trồng măng cụt. Ông cho biết năm nay thời tiết quá khắc nghiệt khiến cây khó đậu trái, sản lượng chỉ đạt khoảng 20 – 30% so với trung bình các năm. “Cả trăm gốc mà trái thưa thớt, giữa vụ rồi mà còn xanh, chưa chín. Dù giá cao nhưng không có hàng để bán, chi phí đầu tư thì không thể thu lại”, ông Đạt chia sẻ.

Theo người dân địa phương, nguyên nhân chính khiến măng cụt mất mùa là do nắng nóng kéo dài, khô hạn bất thường và xâm nhập mặn trong thời kỳ ra hoa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đậu quả.

Măng cụt được giá cao nhưng nông dân xót xa vì một lý do
Xâm nhập mặn làm cho nhiều hộ trồng măng cụt bị ảnh hưởng.

Hiện toàn tỉnh Vĩnh Long có khoảng 1.000 ha trồng măng cụt, chủ yếu tập trung tại huyện Cầu Kè và khu vực giáp ranh với Bến Tre. Măng cụt được xem là cây ăn trái chủ lực của địa phương, tuy nhiên rủi ro ngày càng lớn khiến người trồng đối mặt với nhiều khó khăn.

Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, bên cạnh yếu tố thời tiết, đầu ra không ổn định cũng là một trong những nguyên nhân khiến nghề trồng măng cụt trở nên bấp bênh. Phần lớn sản phẩm vẫn tiêu thụ qua thương lái nội địa, liên kết chuỗi với doanh nghiệp còn hạn chế, nên người nông dân luôn chịu rủi ro kép, vừa phụ thuộc vào thiên nhiên, vừa bị động trước biến động thị trường.

Măng cụt được giá cao nhưng nông dân xót xa vì một lý do
Trái măng cụt cũng nhỏ hơn mọi năm.

Để ổn định sinh kế lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cần đẩy mạnh hỗ trợ người dân chuyển giao kỹ thuật canh tác thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng quy hoạch vùng trồng bài bản. Bên cạnh đó, việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết tiêu thụ và chế biến sâu là giải pháp cần thiết để nâng cao giá trị cho loại trái cây đặc sản này.