Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là dự án hạ tầng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, với tổng chiều dài 1.541km từ Ngọc Hồi (Hà Nội) đến Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 67 tỷ USD. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư vào cuối 11/2024; kế hoạch lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ 2025 và phấn đấu khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.

THACO của tỷ phú Trần Bá Dương đề xuất đầu tư

Trong văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây, tỷ phú Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Hải (THACO) cho biết, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, doanh nghiệp đã quyết định đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đề xuất, THACO mong muốn triển khai dự án từ nguồn vốn tự có kết hợp với nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Tông mức đầu tư THACO đề xuất là 1,562 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng – phần này sẽ được tách ra thành dự án độc lập do Nhà nước thực hiện.

Về cơ cấu vốn, THACO cam kết góp 20% tổng mức đầu tư (tương đương 12,27 tỷ USD) thông qua vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phần để tăng vốn cho THACO cũng như các tập đoàn thành viên. Dù kêu gọi vốn, THACO vẫn bảo đảm ông Trần Bá Dương và gia đình nắm giữ cổ phần chi phối.

Nghị quyết 68 mở đường, hai tỷ phú Việt muốn đầu tư siêu dự án đường sắt 61 tỷ USD
THACO đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Ngoài ra, THACO cũng sẽ thành lập công ty thực hiện dự án và mời gọi các doanh nghiệp trong nước cùng góp vốn. Điều kiện tiên quyết được đặt ra là: không chuyển giao, chuyển nhượng dự án, vốn góp hoặc cổ phần cho các đối tác nước ngoài.

Phần vốn còn lại là 80% tương đương khoảng 49,08 tỷ USD sẽ được huy động từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Thaco đề xuất Chính phủ bảo lãnh khoản vay và hỗ trợ toàn bộ lãi suất trong thời hạn 30 năm, với tài sản bảo đảm là toàn bộ công trình dự án.

Tập đoàn đề xuất tổng thời gian thực hiện dự án là 7 năm, trong đó tuyến đường sẽ được chia thành nhiều giai đoạn thi công. Mục tiêu là để các đối tác trong nước có đủ thời gian học hỏi, tiếp nhận công nghệ, từng bước tham gia sâu vào quá trình xây dựng, sản xuất, lắp đặt và vận hành, đảm bảo dự án được thực hiện an toàn, hiệu quả và đúng tiến độ.

VinSpeed – “ngọn cờ tiên phong” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Trước THACO, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã thể hiện tham vọng lớn trong lĩnh vực hạ tầng khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

VinSpeed đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn tương đương THACO, khoảng 1,562 triệu tỷ đồng (61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong đề xuất, VinSpeed nhận trách nhiệm thu xếp 20% vốn đầu tư (khoảng 12,27 tỷ USD), phần còn lại – 80% vốn được đề nghị Nhà nước cho vay không lãi suất trong thời hạn 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Nghị quyết 68 mở đường, hai tỷ phú Việt muốn đầu tư siêu dự án đường sắt 61 tỷ USD
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty VinSpeed để đầu tư đường sắt

Để đảm bảo nguồn thu hỗ trợ hoàn vốn cho Nhà nước, VinSpeed cũng đưa ra kế hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development), hợp tác cùng Vingroup và Vinhomes để quy hoạch và xây dựng các đô thị hiện đại quanh các nhà ga dọc tuyến cao tốc.

Nghị quyết 68 mở đường cho doanh nghiệp tư nhân làm "việc lớn"

Các động thái của THACO và VinSpeed diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân – một bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về vai trò của khu vực này.

Nếu trước đây, kinh tế tư nhân chỉ được coi là “một bộ phận của nền kinh tế”, sau đó được nâng thành “một bộ phận quan trọng”, thì nay, Nghị quyết 68 chính thức xác lập khu vực kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.

Từ nhận thức đó, hệ thống cơ chế – chính sách cũng được điều chỉnh theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện để khu vực tư nhân tham gia sâu vào các dự án chiến lược, quy mô lớn, thậm chí cả những lĩnh vực trước đây chỉ dành cho Nhà nước.

Ngay sau đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết 198, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc biệt để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cùng Nhà nước trong các lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, và các dự án mang tính trụ cột của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hệ thống hạ tầng quốc gia đang đứng trước cơ hội bứt phá, những đề xuất đầu tư tỷ đô từ khu vực tư nhân không chỉ là tín hiệu của tiềm lực tài chính, mà còn cho thấy một bước chuyển lớn trong tư duy phát triển – nơi doanh nghiệp tư nhân được nhìn nhận là đối tác chiến lược của quốc gia trong kiến tạo tương lai.