Mới đây, báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 10/8/2021 đã đề cập đến câu chuyện "Ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường châu Âu (EU) trong trường hợp bị Ủy ban Châu Âu (EC) phạt thẻ đỏ. Theo đó, ước tính mỗi năm thương mại lĩnh vực này có thể sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD".

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp thuỷ sản được dự báo phục hồi 6 tháng cuối năm

Giá trị xuất khẩu sang EU giảm mạnh qua các năm

Báo cáo cho biết, ngành thủy sản của Việt Nam đã nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp theo định hướng hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD mỗi năm qua đó đóng góp vào khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo 4,7 triệu việc làm (tương đương khoảng 5% tổng số việc làm trong khu vực chính thức).

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua (từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 trước khi giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020).

Năm 2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.

Do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản sang EU đã giảm đáng kể trong những năm qua. Đáng chú ý, đây mới chỉ là một phần của tác động tiêu cực có thể thấy qua số liệu xuất khẩu và sẽ còn có nhiều hệ lụy khác.

Năm 2018, năm đầu tiên chịu ảnh hưởng của thẻ vàng IUU, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU giảm 6%. Trong số các sản phẩm khai thác biển này, xuất khẩu bạch tuộc giảm 22%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm 19%, cua giảm 14% và các loài cá biển khác giảm 4%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ sang EU năm 2018 vẫn tăng 12%.

Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.

Đặc biệt, 3 mặt hàng thủy sản chính sang thị trường EU đều giảm mạnh: bạch tuộc tiếp tục giảm 19%, cá ngừ giảm 12%, nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm mạnh 119% trong khi các sản phẩm hải sản khác tăng 14%.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020 - giảm gần 2% so với năm 2019. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm Trung Quốc giảm 3%, EU (giảm 6%), Hàn Quốc (giảm 2%) và các nước ASEAN (giảm 18%), Nhật Bản (giảm 3%) trong khi các thị trường khác tăng so với cùng kỳ (Mỹ tăng 10%, Anh tăng 23%, Canada tăng 14%).

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,22 tỷ USD - giảm 6% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo Báo cáo, khó dựa vào các số liệu xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2020 để phân tích định lượng tác động từ thẻ vàng bởi suy giảm xuất khẩu năm 2020 không chỉ chịu tác động bởi thẻ vàng mà còn bị ảnh hưởng bởi cả đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản sang EU từ nửa cuối năm 2020 còn được tác động từ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại kết quả tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu được hưởng lợi đáng kể khi EVFTA có hiệu lực vì 50% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2020, bao gồm các mặt hàng chính như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc.

Nếu bị phạt "thẻ đỏ"...

EU luôn là thị trường quan trọng nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau khi bị tác động bởi thẻ vàng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã mở rộng ở nhiều thị trường khác để thay thế những thị phần giảm ở EU. Bởi vậy, EU từ vị trí thứ 2 trong nhóm các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5 kể từ năm 2018, xếp sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Trong trường hợp ngành thủy sản Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ đỏ, hậu quả sẽ giống như trường hợp của Sri Lanka: Tất cả các sản phẩm hải sản khai thác đều bị cấm vào thị trường EU. Các tác động bao gồm rủi ro đối với danh tiếng, kiểm soát hải quan nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhập khẩu, và đặc biệt, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA.

Nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2 đến 3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Ngành khai thác và chế biến thủy sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại. Điều này dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16 - 18 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, cả nước phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm là 7 - 9% trong 10 năm tới.

"Với kịch bản thẻ vàng không được gỡ bỏ, tốc độ tăng trưởng 9%/năm chắc chắn không thể đạt được. Bị cảnh báo thẻ đỏ, rất khó để duy trì sự tăng trưởng tích cực trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm tới”, báo cáo nhận định.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và tăng trưởng trở lại tại thị trường EU là rất khả thi.

Điều này cho thấy cần có những giải pháp hợp lý, hiệu quả để sớm khắc phục thẻ vàng, đưa ngành thủy sản hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 7 - 9% và đạt 16 - 18 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2030.

Doanh nghiệp trên sàn chờ cơ hội cuối năm

Với các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Sao Ta, Nam Việt,... việc thủy sản Việt Nam có phải nhận "án" hay không có tác động rất nhiều đến thị trường, kết quả kinh doanh, lợi nhuận cũng như giá cổ phiếu của các công ty này.

Theo quan sát, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu thủy sản diễn biến khá ảm đạm trong giai đoạn từ tháng 1 - 5 và chỉ thực sự nhích lên trong tháng 6/2021.

Theo Mirae Asset Việt Nam, việc các quốc gia lớn trên thế giới đã triển khai nhanh chóng vaccine COVID-19 đã giúp các quốc gia này dần mở cửa trở lại đồng thời giúp nhu cầu cũng như chuỗi cung ứng thủy sản từ Việt Nam ra thế giới dần phục hồi. Qua đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam theo đó cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại trong quý 2 cũng như 6 tháng cuối năm nay.

Trong khi đó, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, đến cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính.

Cụ thể, giành thị phần từ đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 (như Ấn Độ) và tiếp tục tăng trưởng từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến trong khi nhu cầu từ kênh nhà hàng sẽ sớm phục hồi.

Tuy vậy, phân tích của các công ty chứng khoán cũng cho thấy vẫn còn nhiều trở ngại áp lực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này trong 6 tháng cuối năm 2021. Đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí vận chuyển đường biển bằng container từ Việt Nam đến các thị trường chính (Hoa Kỳ, Châu Âu) đang ở mức cao kỷ lục... sẽ là những yếu tố chính khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu sức ép trong ngắn hạn. Mặt khác, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam đang dẫn tới mối lo ngại về gián đoạn nguồn cung nếu chẳng may có ca mắc trong các doanh nghiệp, vùng nguyên liệu.

Theo các chuyên gia của Mirae Asset Việt Nam, dù khó khăn vẫn còn, tuy nhiên thị giá cổ phiếu xuất khẩu thủy sản có thể đã hoàn thành tạo đáy. Việc giá cổ phiếu của các công ty này đồng loạt tăng và giữ được diễn biến giao dịch sôi động từ cuối tháng Năm vừa qua cho thấy dòng tiền đầu tư đã phản ứng tốt với các tin tức mới được cập nhật và cũng mở ra cơ hội để tích lũy cổ phiếu này trong năm 2021.

“Việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, giá các cổ phiếu thủy sản sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng Sáu này và nửa sau năm 2021.

Sau 1 tháng tăng mạnh, cổ phiếu DPM bắt đầu bị khối ngoại chốt lời

Trong phiên VN-Index tăng nhẹ hơn 2 điểm qua đó trở lại mốc 1.362 điểm, dòng tiền khối ngoại bất ngờ bán ròng trở lại ...

Thị trường chứng khoán (10/8): Cổ phiếu dầu khí bật tăng mạnh, nhóm phân bón bắt đầu bị chốt lời

Thị trường diễn biến tích cực hơn về cuối phiên chiều, ghi nhận có thời điểm VN-Index tăng hơn 6 điểm từ ngưỡng tham chiếu ...

Cổ phiếu logistic và kỳ vọng giá cước vận tải biển sẽ tăng mạnh cuối năm

Giá cước tính đến thời điểm tháng 7/2021 đã tăng gấp hơn 7 - 8 lần, thậm chí hơn 10 lần so với thời điểm ...