Theo quan niệm dân gian, việc tuân thủ một số điều kiêng kỵ vào đầu năm mới sẽ giúp đem lại may mắn, hanh thông, nhiều tài lộc, tránh rủi ro. Đặc biệt, giới kinh doanh thường đề cao yếu tố tâm linh, cẩn trọng, có những quy tắc, kiêng kỵ rất riêng để tránh cả năm xui xẻo, không may mắn.

Chọn người xông đất, mở hàng

Những kiêng kỵ cho giới kinh doanh trong ngày Tết để có một năm phát lộc

Người châu Á nói chung, người Việt nói riêng thường rất đề cao yếu tố tâm linh. Ngoài việc chọn phong thủy, hướng đặt không gian kinh doanh, những ngày Tết, dân kinh doanh rất cần cẩn trọng trong việc chọn người mở hàng và xông đất đầu năm.

Đầu năm xông đất là một phong tục tập quán truyền thống của dân ta. Theo đó, người đầu tiên đến cửa hàng bạn mở hàng cho năm mới chính là người xông đất. Người này được tin rằng sẽ mang yếu tố quyết định sự buôn may bán đắt cho bạn, hay là những điều xui xẻo trong cả năm tới.

Những người được chọn mở hàng, xông đất thường là những người hợp tuổi với gia chủ, có tính cách xởi lởi, niềm nở và khỏe mạnh, đang phát tài phát lộc thì càng tốt. Nên tránh chọn người mà gia đình có tang hoặc làm ăn thua lỗ, tài vận không tốt trong năm cũ. Có như vậy mới đem may mắn về nhà, gia chủ yên tâm về một năm làm ăn phát tài.

Không quét nhà, không đổ rác 3 ngày Tết

Theo quan niệm dân gian, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, vận đỏ của cả năm ra khỏi nhà, khiến cho tình hình tài chính cả năm của gia đình không ổn định, các thành viên không thể tạo ra được của cải vật chất, hoặc nếu có thì cũng sẽ tiêu vào những việc bên ngoài mà không thể tiết kiệm được. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.

Do đó, từ xa xưa đã lưu truyền điều kiêng kỵ ngày Tết là không quét, không đổ rác trong 3 ngày Tết. Mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa mà chỉ chụm lại một góc trong nhà, không hốt đổ đi. Do vậy, ngày 30 Tết, dù bận rộn đến đâu mọi người cũng phải dọn dẹp nhà cửa, vứt sạch sẽ rác còn thừa trong năm cũ.

Kiêng xuất hành vào ngày xấu

Những kiêng kỵ cho giới kinh doanh trong ngày Tết để có một năm phát lộc

Theo quan niệm của dân gian tránh xuất hành, đi xa vào những ngày 3, 5, 7, 14, 23 âm lịch.

Ở Việt Nam và một số nước Châu Á người ta kiêng “Chớ đi ngày 7, chớ về ngày 3” (âm lịch) vì đó là ngày “Tam nương sát”. Trong mỗi tháng âm lịch có 6 ngày Tam nương phải kiêng là ngày 3, 7, 13, 18, 22, 27.

“Mùng 5, 14, 23 - Đi chơi cũng lỗ, huống là đi buôn”. Các ngày này được cho là ngày Nguyệt kỵ, cộng lại đều bằng 5, mà dân gian thường gọi là ngày "nửa đời, nửa đoạn" nên làm gì cũng chỉ giữa chừng, khó đạt được mục tiêu.

Ở Việt Nam, người kinh doanh buôn bán thường tránh những ngày này và coi đó là ngày đại kỵ, không may mắn. Nặng hơn còn có thể làm cho việc kinh doanh lâm vào tình trạng thua lỗ, nợ nần chồng chất.

Không vay mượn, không trả nợ

Đầu xuân năm mới là lúc đón tài lộc về nhà, tránh những điều không may mắn dẫn đến "dông" cả năm. Theo quan niệm, người đi vay mượn là người rơi vào tình trạng đói kém, túng thiếu. Thế nên nếu người nào đi vay mượn đầu năm nghĩa là đang rước những điều không may và sự túng thiếu về nhà, buôn bán bất lợi.

Những kiêng kỵ cho giới kinh doanh trong ngày Tết để có một năm phát lộc

Đặc biệt cho vay hay trả nợ cũng là điều kiêng kỵ trong ngày đầu năm. Theo quan niệm xưa, việc trả nợ hoặc cho vay cũng giống như xua đuổi thần tài và "dâng" tài lộc cho người khác. Bởi thế, vào ngày 29 hoặc 30 Tết, những người kinh doanh nên đi thu nợ hoặc trả hết các khoản còn thiếu cho đối tác để tránh xui xẻo trong cả năm mới.

Một số kiêng kỵ không quan trọng hoặc không phổ biến khác

- Cho lửa và nước: Trong ngôi nhà, lửa và nước được xem như vật giữ may mắn và tiền tài. Vì vậy mà hành động cho lửa và nước trong 3 ngày Tết được xem là tự mang tiền tài cho người khác, năm mới sẽ khó khăn và chật vật để kiếm lại.

- Kiêng ăn thịt chó, mực, cá mè, thịt vịt… đầu năm vì cho rằng sẽ không may mắn.

- Dân gian có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", với nhiều ý nghĩa, như mua muối mang về nhà để lấy may mắn cho cả năm, mong muốn về cuộc sống ấm no. Cuối năm mua vôi để quét lại nhà, cổng với hy vọng tránh được những điều xui rủi.

- Khóc than, cãi vã: Đầu xuôi đuôi lọt, mọi việc có khởi đầu tốt thì hành trình một năm mới khởi sắc, kết quả mới như ý nguyện. Chính vì vậy mà trong 3 ngày Tết, mọi người luôn cười nói vui đùa, cởi mở trò chuyện, tránh khóc than, cãi vã.

- Làm vỡ đồ đạc: Người Việt rất kiêng kỵ việc làm vỡ đồ đạc, nhất là gương, thủy tinh hay đồ sứ, nhất là ngày Tết vì cho rằng đó là điềm chẳng lành. Trong 3 ngày đầu năm, mọi người thường nhắc nhau cẩn thận, kỹ lưỡng khi sử dụng các món đồ dễ vỡ.

Trên đây là những điều kiêng kỵ với giới kinh doanh trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, theo khẳng định từ một số nhà nghiên cứu văn hóa thì đây cũng chỉ là quan niệm mê tín trong dân gian, chưa có cơ sở khoa học nào để minh chứng cho điều này.

Buôn bán chủ yếu là nhờ vào đầu óc. Đầu óc ở đây là việc lên cho mình một kế hoạch kinh doanh cụ thể, một chiến lược bán hàng nhạy bén và nắm bắt thị trường nhanh nhạy. Một mặt bạn vẫn có thể làm theo tín ngưỡng tâm linh truyền thống, một mặt hãy sáng suốt trong đường lối, chiến lược, chắc chắn giới kinh doanh sẽ có một năm buôn bán hiệu quả.