Nhà ăn cộng đồng tại Thượng Hải có không gian sạch sẽ và sáng sủa, nơi này chuyên phục vụ những người lớn tuổi với những bữa ăn có giá mềm gồm bắp cải xào và thịt ba chỉ om. Ở tuổi 24, Zhang Ru vốn không phải khách hàng mục tiêu của nhà ăn này nhưng “bất đắc dĩ” cô lại trở thành khách quen một cách thường xuyên.

Là nhân viên mới của một công ty phần mềm, Zhang cho biết nhà ăn cộng đồng đã giúp cô tiết kiệm hơn và đảm bảo tiền ăn mỗi ngày dưới 14 USD, tương đương trong khoảng 350 nghìn đồng/ngày. Một nhân viên phục vụ tại quán ăn cho biết ngày nay, những người trẻ tuổi như Zhang chiếm khoảng 1/3 lượng khách hàng.

Zhang nằm trong độ tuổi Gen Z - những người ở nhóm tuổi này chiếm 18,4% trong tổng số 1,4 tỷ dân tại Trung Quốc và nắm giữ chìa khóa cho việc tiêu dùng trong tương lai. Nhưng họ đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều biến động kinh tế cũng như một xã hội đang già đi. Thêm vào đó, dù GDP Trung Quốc quý I/2024 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỳ vọng thì hầu hết các dự báo đều chỉ ra nước này vẫn còn nhiều “thử thách” trong những năm tới.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16 đến 24 tuổi ở mức 15,3% trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc là 5,3%.

'Nỗi buồn' Gen Z Trung Quốc: Ở nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tiền ăn phải tính sao không quá 350 nghìn, 'quà vặt' cũng phải chờ giảm giá mới mua
Thế hệ Gen Z Trung Quốc

Theo Nikkei Asia, thói quen của Gen Z và những áp lực hình thành nên họ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế số 2 thế giới trong nhiều năm tới. Và nhiều người trẻ tại quốc gia này được cho là đang có xu hướng sống tiết kiệm cũng như chi tiêu hợp lý hơn.

Chuyên gia Biao Xiang cho rằng một phần nguyên nhân có thể đến từ việc họ đang không chắc chắn về tương lai. Vì thế, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến các sàn thương mại điện tử và mua hàng giảm giá.

Biên tập viên Julienna Law tại Jing Daily, một cơ quan truyền thông tập trung vào xu hướng tiêu dùng nhận định rằng với tình hình kinh tế hiện tại, các hoạt động như ăn uống tại nhà ăn cộng đồng cũng như mua sắm tại các cửa hàng giảm giá đã trở thành chiến lược tiết kiệm phổ biến.

Còn đối với Catherine Lin (30 tuổi), người làm việc tại một đơn vị sản xuất pin mặt trời, săn hàng giá rẻ bao gồm cả việc mua bánh ngọt. Cô nói rằng mình rất thích bánh ngọt nhưng thường không mua vì chúng đắt tiền và có thể khiến cô tăng cân. Nhờ việc “săn giảm giá”, cô có thể chỉ cần trả 15,9 nhân dân tệ (55 nghìn đồng) cho một miếng bánh mà bình thường cô phải trả 37 nhân dân tệ (129 nghìn đồng).

'Nỗi buồn' của Gen Z Trung Quốc: Sống ở nền kinh tế thứ 2 thế giới nhưng tiền ăn phải tính sao không quá 350 nghìn, 'quà vặt' cũng phải chờ giảm giá m

Thanh niên Trung Quốc ăn uống tại một trung tâm thương mại ở Hàng Châu

Chi tiêu hộ gia đình cũng vẫn chậm chạp do sự phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID và những biến động trong lĩnh vực bất động sản đã làm lung lay niềm tin của người dân.

Chuyên gia Yong Chen cho rằng lĩnh vực nhà hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi nhiều người đã đặt hàng mang về thay vì đi ăn ngoài.

Xiang, một nhà nhân chủng học nhận xét rằng thế hệ Gen Z có lẽ có tuổi thơ hạnh phúc nhất về mặt vật chất trong hành trình phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, khi lớn lên, họ cũng phải trải qua nhiều căng thẳng tinh thần dưới sức nặng kỳ vọng từ cha mẹ. Ngoài ra, nước này cũng đang trải qua tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ thấp.

Để kích thích nền kinh tế, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã cố gắng đưa ra nhiều biện pháp khắc phục thiết thực. Họ sẽ cố gắng tìm ra cách để đảm bảo thế hệ trẻ có thể kiếm đủ tiền cho cuộc sống và sẵn sàng chi tiêu trong thời gian tới.