Chủ nhân của giống mận hồng Sân Tiên là ông Trần Văn Phục (50 tuổi), một nông dân tại xã Cù Lao Dung (TP. Cần Thơ, trước đây thuộc Sóc Trăng). Từ năm 2021, ông Phục đã thành công trong việc lai tạo giống mận mới có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống mận thường thấy. Không dừng lại ở khâu giống, ông tiếp tục phát triển vùng trồng quy mô 40 ha, đồng thời chọn canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Để đảm bảo môi trường sinh trưởng lý tưởng cho cây mận, ông áp dụng mật độ trồng khoa học 40 cây/1.000m², khoảng cách giữa các cây 4m để bảo đảm độ thông thoáng và ánh sáng đều. Phân bón hóa học được loại bỏ dần, thay thế bằng phân hữu cơ và vi sinh. Đặc biệt, mỗi trái mận đều được bao trái hai lần, nhằm cách ly tuyệt đối với thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm độ an toàn cao nhất cho người tiêu dùng.
Mận hồng Sân Tiên có kích cỡ lớn (chỉ 4–5 trái/kg), độ giòn cao, vị ngọt thanh (độ Brix có thể đạt 15%) và hương thơm nhẹ nhàng. Khi chín, quả có màu hồng đậm bắt mắt và đặc biệt ráo nước, rất phù hợp cho việc vận chuyển xa. Nhờ đặc tính này, mận hồng Sân Tiên đã nhanh chóng được các chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long và Đồng Tháp đưa vào hệ thống phân phối với mức giá cao.
![]() |
Chủ nhân của giống mận hồng Sân Tiên là ông Trần Văn Phục. Ảnh minh họa |
Mỗi năm, giống mận này cho thu hoạch ba vụ, năng suất đạt trung bình 20 tấn/ha sau 14 tháng trồng. Nhưng điều làm nên sự khác biệt không chỉ là trái mận mà còn là quy trình sản xuất chuyên nghiệp và bền vững mà ông Phục kiên trì xây dựng.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh, ông Phục đã đầu tư hệ thống sau thu hoạch bài bản: kho lạnh giữ mận ở nhiệt độ tiêu chuẩn 12 độ C, máy rửa trái cây dùng nước đạt chuẩn, quy trình phân loại – đóng gói khép kín. Mỗi lô mận đều được kiểm nghiệm định kỳ với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối và tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.
![]() |
Mận hồng Sân Tiên có kích cỡ lớn (chỉ 4–5 trái/kg), độ giòn cao, vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ nhàng. Ảnh minh họa |
Không dừng lại ở trái cây tươi, ông còn phát triển các sản phẩm chế biến sâu như mận sấy dẻo, nước ép, rượu mận và trà hoa mận. Đồng thời, ông cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để xin chứng nhận hữu cơ quốc gia và tiếp tục lai tạo giống mận mới với trọng lượng chỉ 2 trái/kg và độ đường cao hơn.
Đặc biệt, ông Phục đang quy hoạch vùng trồng 40 ha thành điểm đến du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Khu vườn được thiết kế với hồ trữ nước rộng 4 ha, hạ tầng phục vụ tham quan – nghỉ dưỡng, hướng đến mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng. Khi cầu Đại Ngãi hoàn thành và rút ngắn thời gian vận chuyển đến TP.HCM 3–4 giờ, triển vọng phát triển du lịch sinh thái tại đây sẽ càng rộng mở.