Thị trường chứng khoán đang có những động thái hồi phục nhưng rất chậm. Cộng đồng nhà đầu tư thể hiện sự thận trọng, chọn lọc vô cùng kỹ lưỡng trước khi rót tiền đầu tư. Bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay dường như đang khác xa những năm trước rất nhiều. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, khẩu vị nhà đầu tư hiện nay rất khác.

Thưa ông, đứng ở góc độ là người thường xuyên tương tác với lượng lớn nhà đầu tư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, ông thấy suy nghĩ của nhà đầu tư hiện nay có gì khác biệt?

Tôi thấy rằng bối cảnh thị trường thay đổi sẽ khiến suy nghĩ và hành động của nhà đầu tư thay đổi. Trong gần 2 năm qua, thị trường chứng khoán đi vào giai đoạn khó khăn với nhiều cú sụt giảm mạnh. Diễn biến này gây ra nhiều tổn thất cả về mặt tài chính và tinh thần, từ đó khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy cần phải cẩn trọng hơn.

Nói về sự chuyển dịch phương pháp đầu tư của cộng đồng sau 2 năm biến cố, nhà đầu tư sẽ rút ra bài học rằng những cổ phiếu của các doanh nghiệp không có nền tảng tốt cuối cùng sẽ sụt giảm mạnh và không thể phục hồi trở lại. Đôi khi đó còn là những cái bẫy có thể khiến nhà đầu tư bị mất vốn lâu dài, điển hình như trường hợp xảy ra của các cổ phiếu FLC, IDJ hay LDG, …

Điều nhà đầu tư quan tâm hiện tại là khi nền kinh tế hồi phục thì các doanh nghiệp nào có thể hồi phục nhanh và mạnh mẽ hơn. Nhà đầu tư đang có xu hướng lựa chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững, những doanh nghiệp nói đơn giản là có thể sống tốt trong 10 năm tới.

Đây thường là các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững vàng, vị thế dẫn đầu trong ngành và có hệ thống quản trị hiệu quả, đáng tin cậy. Những doanh nghiệp như vậy có thể trải qua thăng trầm cùng biến động của nền kinh tế nhưng nếu đồng hành lâu dài nhà đầu tư sẽ gặt hái được lợi nhuận tốt.

Ông Nguyễn Đức Nhân: 'Khát khao của nhà đầu tư bây giờ không phải là  giá rẻ, họ muốn tìm thấy doanh nghiệp có thể sống tốt trong 10 năm tới'
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Ông nhận định ra sao về diễn biến thị trường chứng khoán năm 2024, 2025 với xu hướng mới này của nhà đầu tư?

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán trong 2 năm tới sẽ ổn định và có nhiều cơ hội hơn 2 năm vừa qua. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã gần như kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.

Lạm phát đang dần được kiểm soát và nhu cầu đang dần dần hồi phục mặc dù giai đoạn đầu thường còn chậm và chưa rõ ràng. Rủi ro về suy thoái kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn được loại bỏ nhưng xác suất xảy ra đã giảm đi đáng kể. Các trụ cột tăng trưởng của Việt Nam như Đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng có thể sẽ hồi phục tốt hơn trong thời gian tới.

Với bối cảnh trên, về việc lựa chọn cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán, tôi cho rằng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ. Doanh nghiệp nào có đường lối phát triển bền vững, lâu dài sẽ được cộng đồng nhà đầu tư đón nhận. Thậm chí, nhà đầu tư nên dành một phần tương đối lớn trong danh mục để tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt. Nhà đầu tư cũng nên đánh giá yếu tố này cao hơn việc cố gắng mua cổ phiếu giá rẻ nhưng doanh nghiệp kinh doanh thiếu bền vững.

Theo ông, những yếu tố nào cần chú ý về doanh nghiệp để nhà đầu tư xác định được đâu là công ty có thể sống tốt trong 10 năm tới?

Theo tôi, đó phải là những doanh nghiệp có vị thế top đầu trong ngành đang hoạt động và có những lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác trong ngành. Ban lãnh đạo của công ty cần là những người có uy tín, nói được làm được và đã chứng minh được năng lực. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có tiềm lực tài chính mạnh, vay nợ vừa phải để vẫn có thể sống tốt trong môi trường lãi suất cao và thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó như thời gian vừa qua.

Để có thể tăng trưởng lợi nhuận, doanh nghiệp cần có các dự án đầu tư mở rộng bài bản và có tiềm năng thành công cao. Các dự án mở rộng có thể là tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh hoặc khai phá sang một thị trường mới. Đặc biệt, những doanh nghiệp thu hút được nhà đầu tư chiến lược sẽ là dấu hiệu trực quan nhất về tiềm năng dài hạn.

Lý thuyết là như thế nhưng thực tế nhà đầu tư không dễ tìm ra doanh nghiệp có tính chất như vậy, ông có thể lấy vài ví dụ?

Đúng là không có nhiều doanh nghiệp hội đủ được đầy đủ các tiêu chí như trên. Trong quá khứ, chúng ta có thể nhìn lại quá trình phát triển của Hòa Phá hội tụ được nhiều yếu tố để nhà đầu tư yên tâm và quả thực nhiều người đã có kết quả đầu tư khả quan khi đặt niềm tin vào đúng chu kỳ. , một doanh nghiệp dẫn đầu ngành thép.

Trong hơn 10 năm qua trước khi biến cố lĩnh vực bất động sản gây ảnh hưởng đến thép, HPG là cổ phiếu mang lại sự giàu có cho các nhà đầu tư gắn bó. Bởi vì sau mỗi dự án mở rộng kinh doanh thành công, lợi nhuận của Hòa Phát lại lên một đỉnh cao mới, từ đó giá cổ phiếu sẽ chạy theo.

Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường đã về mức định giá khá rẻ, tôi cho rằng nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm được cơ hội ở nhiều ngành và nhiều cổ phiếu đơn lẻ. Ví dụ: Ở ngành ngân hàng, nhà đầu tư có thể lựa chọn rất nhiều cổ phiếu khi P/E hầu hết đang ở vùng dưới 6. Việc rất nhiều ngân hàng đẩy mạnh số hoá thành công sẽ giúp họ nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng và nâng cao quy mô nhanh chóng khi nhịp phục hồi của nền kinh tế bắt đầu.

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng quy mô thị trường tài chính của Việt Nam vẫn còn rất nhỏ, tức room để các ngân hàng bứt phá chu kỳ dài là rất lớn. Đối với cổ phiếu ngân hàng, những ngân hàng đang giữ được thị phần cho vay xanh như HDBank (HDB), SHB…là những ngân hàng có lợi thế trong xu hướng xanh đang lan toả toàn cầu. Các ngân hàng khác có thể quan tâm bên cạnh những ông lớn là những ngân hàng dám chi mạnh chuyển đổi số như Nam Á Bank (NAB); BVBank (BVB)...

Cổ phiếu dầu khí cũng cho thấy rất nhiều câu chuyện lớn. Nếu như từ trước đến nay, đầu tư vào ngành này thường hay nhìn vào diễn biến giá dầu thì bây giờ câu chuyện ngành đã bước lên tầm cao mới. Thời gian qua và sắp tới đây, hàng loạt dự án lĩnh vực dầu khí tỷ USD sẽ thay đổi diện mạo ngành vốn đang rất mạnh mẽ này.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, chúng ta dễ nhận thấy sự nổi lên của Digiworld (DGW) khi họ chứng minh năng lực “phân phối được mọi thứ từ cây kim, sợi chỉ đến tàu thuỷ, xe hơi” khi chinh phục thành công những thương hiệu ngoại ở các ngành hàng khác ngoài ngành công nghệ như bia,hàng gia dụng…Mới đây, Digiworld lại có thêm động thái phân phối phần mềm cho thương hiệu ngoại và cứ như thế, có thể Digiworld sẽ “vẽ” được tương lai sáng sủa cho chu kỳ 10 năm tới của mình, không phụ thuộc vào “up and down” của ngành công nghệ. Hoặc một cổ phiếu thú vị khác là FRT với chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu đang bứt phá mạnh mẽ vượt trội so với các chuỗi khác.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, một doanh nghiệp khác cũng đang dần hội tụ những yếu tố kể trên là Dabaco (DBC). Từ trước đến nay Dabaco vẫn luôn phát triển hệ sinh thái của mình theo mô hình 3F (Feed - Farm - Food). Đây là mô hình tiên tiến từng tạo nên rất nhiều thương hiệu lớn toàn cầu. Hiện tại, Dabaco đã cơ bản hoàn thiện những mảnh ghép trong chuỗi giá trị như thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi sạch và phát triển sản phẩm chế biến sâu. Với 3F thành hình, Dabaco có thể bứt phá toàn diện. Đặc biệt, Dabaco đang tiến hành những bước cuối cùng để có thể sản xuất thương mại vaccine và thị trường tỷ USD vaccine dành cho thú y có thể mở ra chu kỳ lớn. Nếu Dabaco thu hút thêm được những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cùng ngành tham gia, thậm chí thị trường của công ty có thể mở rộng nhanh hơn nữa từ đó tiếp sức tăng trưởng đường dài.