Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý cuối năm 2023 khi đạt doanh thu thuần 1.747 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ khoan chiếm 69% cơ cấu doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ.

Mặc dù doanh thu trong nước giảm 25% xuống 666 tỷ đồng, song doanh thu nước ngoài tăng 91%, đạt 1.082 tỷ đồng, trong đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Indonesia và Thái Lan.

Biên lãi gộp đã cải thiện đáng kể từ 17,9% lên 22,8%. Sau trừ các khoản thuế phí, PVD báo lãi sau thuế đạt 195 tỷ đồng trong quý IV, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm trước.

Cả năm, công ty ghi nhận doanh thu 5.812 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 579 tỷ đồng - cải thiện mạnh so với mức lỗ 103 tỷ đồng của năm 2022. Đáng nói, đây là mức lãi đậm nhất PVD đạt được kể từ sau giai đoạn 2014-2015.

PV Drilling (PVD) báo lãi kỷ lục sau gần 10 năm
Dàn khoan của PV Drilling (PVD)

Tổng tài sản tại cuối năm đạt 21.650 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi không kỳ hạn và ngắn hạn đạt tổng cộng 3.464 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn đang ghi nhận 2.340 tỷ đồng, bao gồm MKN Odyssey Venture SDN BHD (182 tỷ đồng), Brunei Shell Petroleum Company SDN BHD (234 tỷ đồng), PT. Jimmulya (394 tỷ đồng) và các khách hàng khác (1.005 tỷ đồng).

Mặt khác, công ty đang có khoản nợ xấu 172 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng 166 tỷ đồng. Chủ yếu trong đó là khoản phải thu đối với KrisEnery (Apsara) Cambodia Company Limited (95 tỷ đồng) – công ty con của Tập đoàn KrisEnery (đã phá sản).

Chứng khoán SSI dự phóng ngành khoan đang trên đà tăng trưởng với các hợp đồng có thể kéo dài đến năm 2025 và một số hợp đồng dự kiến kéo dài đến 2026-2028. Lợi nhuận cốt lõi của PVD dự kiến tăng gấp đôi mỗi năm trong giai đoạn 2024-2025 do giá thuê ngày càng cao và có hiệu lực dần khi các hợp đồng cũ hết hạn.

Ngoài ra, công ty còn có kế hoạch tăng công suất thông qua việc đầu tư thêm 1-2 giàn khoan trong thời gian tới nên kết quả kinh doanh của PVD sẽ còn khả quan hơn rất nhiều.