'Sunhous tiếp cận được thị trường, nhưng khó chen chân vào chuỗi công nghệ cao'
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025 (VEGF) với chủ đề “Các giải pháp chiến lược & thực tiễn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trong bối cảnh mới” diễn ra chiều ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đã thẳng thắn chia sẻ về khả năng cạnh tranh và con đường đi lên của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông cho rằng, muốn Việt Nam đạt mức tăng trưởng hai con số như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) từng làm được, thì không thể để doanh nghiệp đơn độc “bơi” trong làn sóng toàn cầu hóa khốc liệt.
“Chỉ có bốn nền kinh tế châu Á từng tăng trưởng hai con số liên tục nhiều năm. Họ có điểm chung là Nhà nước không đứng ngoài. Phải có một chiến lược đồng hành toàn diện, từ vốn, hạ tầng đến chính sách thị trường. Doanh nghiệp Việt hiện nay còn thiếu điều đó”, ông Phú nói.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse. Ảnh minh hoạ. |
Theo ông Phú, Việt Nam đang bước vào giai đoạn 10–12 năm tới – thời kỳ được ông ví như giai đoạn vàng để bứt phá. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, cộng với các hiệp định thương mại và xu thế siết quy tắc xuất xứ đang mở ra cơ hội hiếm có cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nhưng nếu không hành động quyết liệt, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội như nhiều nước khác đã từng.
Ông dẫn chứng trường hợp chính Tập đoàn Sunhouse, sau nhiều năm nỗ lực vẫn gặp rất nhiều rào cản trong việc gia nhập sâu vào các chuỗi cung ứng công nghệ cao.
“Tiếp cận được các thị trường thì chúng tôi đã làm được. Nhưng để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghệ cao, thì vô cùng khó khăn nếu không có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh từ Nhà nước”, ông Phú chia sẻ.
Phải chấp nhận đầu tư không lãi trong giai đoạn đầu
Một trong những cảnh báo gây ấn tượng mạnh tại diễn đàn là quan điểm của Shark Phú về tư duy lợi nhuận ngắn hạn:
“Chúng ta cứ muốn có lãi ngay thì sẽ rất khó chen chân vào được ngành công nghệ cao. Những đối thủ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã đi trước quá xa rồi. Nếu không có bệ phóng hỗ trợ từ đầu, doanh nghiệp Việt sẽ mãi ở ngoài cuộc”, Shark Phú nhận định.
Ông chỉ ra rằng, Trung Quốc là một hình mẫu đáng học hỏi. Họ có chiến lược rõ ràng, chọn ra các doanh nghiệp có tiềm lực và tầm nhìn, sau đó Nhà nước dốc toàn lực đầu tư, đồng hành từ đầu - từ đổi mới công nghệ, đào tạo kỹ sư trình độ cao, cho đến hỗ trợ vốn để doanh nghiệp có thể “chạy đà” ngay cả khi chưa có lãi.
"Mục tiêu không phải là lợi nhuận trước mắt, mà là giành được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới là mục tiêu tối thượng, bởi vị trí ấy mới là “lợi nhuận dài hạn thực sự”, Shark Phú nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề tầm nhìn dài hạn, ông Phú cũng chỉ ra hàng loạt yếu tố khiến doanh nghiệp Việt gặp bất lợi so với đối thủ: Giá đất công nghiệp, chi phí logistics, mặt bằng sản xuất, nhân lực kỹ thuật cao… đều đang đắt đỏ hoặc thiếu hụt. Đặc biệt, không có chính sách chọn ngành mũi nhọn cụ thể, nên doanh nghiệp bị phân tán nguồn lực và thiếu định hướng.
“Cần xác định các ngành chiến lược để cùng nhau xây dựng lợi thế cạnh tranh. Không thể để doanh nghiệp tự lo từ A đến Z trong khi chi phí bị đội lên so với các nước cạnh tranh như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia.”
Đáng chú ý, ông Phú còn đề cập đến vấn đề giá đất – một trong những nút thắt lớn với sản xuất công nghiệp. Theo ông, thay vì lo “hết đất”, điều quan trọng là xác định đúng giá trị sử dụng của từng loại đất và đưa ra giá sơ cấp phù hợp để thu hút đầu tư.
“Hãy so sánh với giá đất công nghiệp và nhà ở tại các nước trong khu vực. Nếu mặt bằng giá của Việt Nam quá cao, doanh nghiệp không thể mở rộng sản xuất hay cạnh tranh trong dài hạn”, ông nhìn nhận.
Ông cũng cho rằng: Khi nguồn cung được kiểm soát tốt, thị trường sẽ tự điều tiết về mức giá hợp lý. “Đó là nguyên lý thị trường, nhưng điều kiện tiên quyết là Nhà nước phải kiểm soát và dẫn dắt được nguồn cung,” ông nhấn mạnh.