Tập đoàn Sơn Hải vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước – chủ đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước để phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trượt thầu dù ra giá thấp nhất

Văn bản cho biết, gói thầu xây lắp quan trọng này thu hút sự tham gia của 5 nhà đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Sơn Hải đưa ra mức giá dự thầu thấp nhất là 732,3 tỷ đồng. Các đối thủ khác lần lượt là: Tập đoàn Cienco4 (mã C4G, UPCoM) với 800,7 tỷ đồng; liên danh cao tốc IB2500057961 với 804 tỷ đồng; liên danh cao tốc tỉnh Bình Phước với 836 tỷ đồng; và liên danh cao tốc HCM - TDM - CT với giá dự thầu cao nhất là 866 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả gây bất ngờ khi chủ đầu tư lựa chọn liên danh có giá cao nhất – HCM - TDM - CT làm nhà thầu trúng thầu. Trong khi đó, các nhà thầu bị loại đều là những cái tên dày dạn kinh nghiệm trong ngành xây dựng hạ tầng như Tập đoàn Cienco4, Vinaconex (VCG), CTCP Xây dựng Đèo Cả và đặc biệt là Tập đoàn Sơn Hải. Tất cả đều bị đánh giá là “không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật”.

Tập đoàn Sơn Hải cho rằng quyết định lựa chọn nhà thầu nêu trên có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát ngân sách Nhà nước lên tới hơn 113 tỷ đồng. Không chỉ vậy, việc bị loại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh và lợi ích kinh tế của doanh nghiệp. Thậm chí, Fanpage của Sơn Hải còn viết "Luật Đấu thầu đã bị bẻ cong vì quyền lợi của ai đây?".

Tập đoàn Sơn Hải có tiềm lực đến đâu?
Tập đoàn Sơn Hải phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước

Sơn Hải đứng sau loạt dự án hàng chục nghìn tỷ đồng

Tập đoàn Sơn Hải, do ông Nguyễn Viết Hải sáng lập vào tháng 4/1998, khởi nguồn từ lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, sau mở rộng sang nhà ở và bất động sản.

Năm 2016, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng từ 370 tỷ đồng lên hơn 423 tỷ đồng, rồi tiếp tục nâng lên hơn 438 tỷ đồng trong năm 2017. Đến tháng 8/2018, vốn đạt gần 480 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Viết Hải sở hữu 99,583% và ông Lê Thanh Hướng 0,417%.

Đến tháng 7/2021, vốn điều lệ tăng vọt lên gần 2.366 tỷ đồng, với tỷ lệ sở hữu của ông Hải là 99,912% và ông Hướng là 0,088%. Đáng chú ý, đến tháng 5/2024, Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục nâng vốn điều lệ lên gần gấp đôi với 4.500 tỷ đồng.

Theo đăng ký thay đổi gần nhất vào tháng 4/2025, ông Nguyễn Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện pháp luật. Ba giám đốc điều hành gồm ông Ngô Minh Ngọc, Nguyễn Thanh Hải và Lê Thanh Hướng.

Tập đoàn Sơn Hải có tiềm lực đến đâu?
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải

Chỉ trong giai đoạn 2018–2024, doanh nghiệp này đã vượt qua hàng loạt tên tuổi lớn, giành được 22 gói thầu với tổng giá trị lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoảng 75,8% trong số đó – tương đương 19.114 tỷ đồng là các gói chỉ định thầu, được phê duyệt không qua đấu giá cạnh tranh.

Mới đây nhất, tháng 4 vừa qua, Tập đoàn cùng CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh trúng thầu dự án BOT cao tốc Dầu Giây – Tân Phú với tổng vốn đầu tư 8.496 tỷ đồng. Tuyến đường dài 60,2km đi qua các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai), thời gian thi công dự kiến chỉ 24 tháng.

Trước đó, vào tháng 3/2025, Sơn Hải cũng trúng gói thầu số 01XL xây dựng đường ven biển Phú Yên (đoạn Tuy An – TP Tuy Hòa) trị giá 890 tỷ đồng – thấp hơn 12,5% so với dự toán ban đầu. Dự án có tổng mức đầu tư 2.228 tỷ đồng, chiều dài 14,6 km, nền đường rộng 42 m, thiết kế tốc độ 60 km/h.

Không chỉ dừng lại ở các dự án được giao, Tập đoàn Sơn Hải từng chủ động đề xuất đầu tư tuyến cao tốc Nha Trang – Đà Lạt dài gần 81km với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng theo hình thức PPP. Doanh nghiệp khẳng định đây sẽ là tuyến cao tốc vượt núi “đẹp nhất Việt Nam”.

Năm 2023, Tập đoàn Sơn Hải ghi nhận doanh thu 4.084 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước, nhưng lợi nhuận gộp lại tăng vọt 63,8% lên 272 tỷ đồng nhờ chiến lược kiểm soát chi phí hiệu quả. Lợi nhuận ròng đạt gần 41 tỷ đồng, tăng 800 triệu đồng so với năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 8.431 tỷ đồng.