CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) mới đây đã có văn bản về việc đề xuất các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Theo Thaco, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới và Việt Nam liên tiếp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2020 và 2021 kinh tế hầu như bị trì trệ do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, đến năm 2022 kinh tế chưa kịp phục hồi đại dịch thì phải đối diện với đợt suy thái kinh tế nghiêm trọng.

Đồng thời, nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới và trong nước có thể tiếp tục đà suy thoái và khó có khả năng phục hồi trong năm 2024 và 2025.

Bước sang năm 2024, nếu không có các chính sách kích cầu mua sắm từ cơ quan Trung ương và địa phương, lượng hàng tồn kho dự báo sẽ tiếp tục tăng, làm phát sinh hàng loạt chi phí như: Chi phí lưu kho, chi phí bảo quản xe thành phẩm, chi phí sửa chữa/bảo dưỡng xe lưu kho, khiến doanh nghiệp khó có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thaco cho biết, trong năm 2023, hiện trạng kinh tế khó khăn đã tác động mạnh đến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó thị trường ô tô đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, dự kiến doanh số bán ô tô năm 2023 đạt 330.026 xe, giảm 24% so với năm 2022, và thậm chí thấp hơn so với giai đoạn đại dịch năm 2020 và 2021 (lần lượt 362.628 xe và 344.127 xe).

Từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đều bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch bệnh và suy thái kinh tế, trước tình hình đó, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá, thúc đẩy phục hồi và đưa ngành công nghiệp ô tô vượt qua khó khăn.

Các chính sách có thể kể đến như: giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm sản lượng tối thiểu tại chương trình ưu đãi thuế.

Thaco cho rằng, các chính sách trên đã kịp thời hỗ trợ, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt là chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp khi kích cầu tiêu dùng trong nước. Mặc dù chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng nhưng cũng gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để duy trì sản xuất kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Thaco Kia nơi sản xuất các dòng xe du lịch Kia hiện đại, an toàn, tiện nghi

Do vậy, để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024, Thaco đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ sung các chính sách hỗ trợ có tính đột phá trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 (như đã thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.

Cụ thể, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước năm 2024.

Trước đề xuất từ Thaco, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu nội dung đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của CTCP Tập đoàn Trường Hải; rà soát, kiểm tra, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ theo đúng quy định.