Trà hoa vàng, tên khoa học Camellia chrysantha là loài cây thuộc họ chè, phân bố chủ yếu tại Trung Quốc và một số vùng rừng ở Việt Nam như Ba Vì, Bắc Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Gia Lai… Tại Việt Nam, nơi có diện tích trồng tập trung lớn nhất là xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) với hơn 200ha, được xem là “thủ phủ” của loài cây này.

'Thần dược' tập trung ở Quảng Ninh được Trung Quốc mua cả cây lẫn lá, hoa giá 18 triệu đồng/kg
Trà hoa vàng, tên khoa học Camellia chrysantha là loài cây thuộc họ chè. Ảnh minh hoạ

Loài cây này sinh trưởng tốt dưới tán rừng, ưa bóng râm, cao trung bình từ 2–5m, lá thuôn dài, hoa màu vàng rực, thường được thu hái để làm trà dược liệu. Cây không chỉ góp phần phủ xanh đất trống mà còn có nhiều tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh như cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và ung thư.

Theo ông Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trà hoa vàng được thương lái thu mua với giá cao. Trên thị trường, hoa khô được bán với giá 8 - 10 triệu đồng/kg, loại đặc biệt lên tới 12 - 18 triệu đồng/kg. Lá khô cũng được thu mua từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg, theo Báo Kinh tế Đô thị đăng tải.

Tình trạng người dân khai thác ồ ạt, thậm chí “bứng” cả cây bán sang Trung Quốc từng khiến giống cây quý này bị đe dọa cạn kiệt. Hiện nay, một số địa phương đã chủ động nhân giống, bảo tồn nguồn gen để vừa giữ được loài cây quý, vừa phát triển kinh tế bền vững từ rừng.

Trà hoa vàng có khả năng thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng dưới tán rừng, giúp giữ đất, chống xói mòn, hấp thụ CO₂ và điều hòa nhiệt độ khu vực trồng. Do không cần phá rừng để canh tác, cây này được khuyến khích trồng xen kẽ với các loài cây bản địa khác, góp phần giữ gìn thảm thực vật và đa dạng sinh học.

Ông Sáng cho biết: “Trà hoa vàng mang lại giá trị kinh tế cao nhưng phải được trồng đúng cách, có quy hoạch, không trồng đơn canh và tuyệt đối không phá rừng để lấy đất trồng”.

Giữa lúc nhiều địa phương đang tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, mô hình trồng trà hoa vàng được xem là hướng đi tiềm năng. Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, loài cây này còn mở ra cơ hội phát triển ngành dược liệu trong nước nếu được đầu tư bài bản.