Bất động sản quý I phục hồi rõ nét, nhiều chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc”

Phát biểu tại sự kiện công bố Báo cáo thị trường bất động sản quý I và dự báo quý II/2024 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bà Nguyễn Thị Miền, Phó Trưởng ban Xúc tiến đầu tư VARS cho biết, thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm nay đang ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Hàng loạt dự án quy mô hàng trăm đến vài chục nghìn héc-ta, thậm chí hàng tỷ USD đồng loạt khởi công.

Thị trường bất động sản 'tan băng': Lượng giao dịch đất nền tăng đột biến, hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Chỉ trong quý I/2024 có khoảng 30.511 sản phẩm được tung ra thị trường. Trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới.

Cụ thể, theo số liệu từ VARS, chỉ trong quý I/2024 có khoảng 30.511 sản phẩm được tung ra thị trường. Trong đó có hơn 4.626 sản phẩm mới, lần đầu tiên ra mắt.

Về giao dịch, có khoảng 6.360 giao dịch, tăng 10% so với quý IV/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ đạt 21%, tăng 4 điểm % so với quý IV/2023, gấp gần 3 lần so với quý I/2023. Trong đó, các dự án mới hoàn toàn đạt tỷ lệ hấp thụ lên tới 51%.

Về giá bán, giá bán sơ cấp tiếp tục duy trì xu hướng ổn định với mức tăng khoảng 2-3% so với quý trước. Các dự án thấp tầng, đất nền mới ra có mức giá khá hợp lý, trong khi đó phân khúc căn hộ vẫn giữ được xu hướng tăng giá. Các giai đoạn tiếp theo của dự án căn hộ chung cư có giá bán tăng từ 10% - 20% theo kế hoạch.

Về tình hình phân khúc đất nền, nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng "đột biến", đặc biệt là những lô đất đã tách thửa. Xuất hiện nhiều hơn nhà đầu tư đi "săn" đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Mức giá giao dịch thành công ở phân khúc này giảm từ 20-30% so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không còn dấu hiệu giảm giá. So với quý IV/2023 giá đã tăng khoảng 5%.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS khẳng định, quý I chính là kỳ “nước rút”. Chính phủ, các bộ, ngành nỗ lực chạy đua với thời gian nhằm rút ngắn khoảng chờ đợi quy định mới trong những bộ luật vừa mới thông qua. Cụ thể là việc nghiên cứu, soạn thảo để trình ban hành các Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật.

“Hiện thị trường bất động sản đã khá đủ các yếu tố sẵn sàng làm bệ phóng cho tiến trình phục hồi. Đó là sự hậu thuẫn từ phía thượng tầng, các căn cứ bản lề từ 3 bộ luật có tầm ảnh hưởng nhất tới thị trường là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản. Cùng với đó, sự quyết tâm của chủ thể, niềm tin của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố”, ông Đính chia sẻ.

Ngoài ra, chia sẻ về mức độ sẵn sàng tái nhập cuộc của các chủ thể trên thị trường, đại diện VARS cho biết, từ doanh nghiệp, môi giới đến khách hàng, nhà đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực về tâm lý.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp, thị trường ghi nhận 1.035 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2023 và gấp 2,3 lần so quý IV năm ngoái. Thị trường cũng có thêm 921 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 98% cùng kỳ. Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể chỉ có 331 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với quý I/2023.

Đối với khách hàng, nhà đầu tư, sau một thời gian dài cẩn trọng quan sát từng động thái, diễn biến của thị trường, nhóm đối tượng này đã bắt đầu thể hiện rõ sự quan tâm trở lại với thị trường. Tuy nhiên, sự quan tâm này được thực hiện một cách bài bản, cân nhắc và tính toán hơn.

Cần đổi mới chiến lược về tài chính cho nhà ở xã hội

Một trong những yếu tố rất quan trọng, song hành cùng các chính sách pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản, không thể không nhắc đến tài chính và nguồn vốn.

Thị trường bất động sản 'tan băng': Lượng giao dịch đất nền tăng đột biến, hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Đối với các doanh nghiệp, thị trường ghi nhận 1.035 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ 2023 và gấp 2,3 lần so quý IV năm ngoái.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, từ đầu năm đến nay số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn bất động sản lần đầu tiên vượt xa các ngân hàng thương mại, chiếm tới 80% tổng lượng trái phiếu được phát hành. Số lượng trái phiếu này tương đương khoảng 7.000 đến 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng có lưu ý với doanh nghiệp bất động sản khi phát hành trái phiếu cần cố gắng tham gia xếp hạng tín nhiệm, đồng thời doanh nghiệp nào có doanh thu, tiêu thụ từ mức khá trở lên thì nên lên sàn giao dịch chứng khoán. Từ đó, dễ dàng hơn trong việc huy động trái phiếu, đồng thời vấn đề làm ăn sẽ nghiêm túc hơn, minh bạch hơn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Với gói 120.000 tỷ đồng thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, ông Nghĩa cho rằng đây là gói do các ngân hàng thương mại đề xuất để hỗ trợ cho thị trường bất động sản nói chung, trong đó có vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, họ không có trách nhiệm phải chu cấp vốn cho phân khúc này. Bên cạnh đó, tới thời điểm hiện tại mới giải ngân được khoảng 416 tỷ đồng trên tổng 120.000 tỷ đồng - một con số theo chuyên gia là không thấm vào đâu.

Do vậy, vị chuyên gia này kiến nghị cần thiết kế một gói mới một cách bài bản. Chính phủ cần đổi mới chiến lược về tài chính cho nhà ở nói chung, trong đó có nhà ở xã hội. Tham khảo từ một số quốc gia trên thế giới về quản lý tài chính nhà ở, họ đều thực hiện thông qua ngân hàng nhưng lãi suất Chính phủ sẽ đứng ra chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng hi vọng, thời gian tới xu hướng lãi suất cho vay sẽ giảm. Mặc dù lãi xuất tiền gửi tại các ngân hàng đang có dấu hiệu “rục rịch” tăng nhưng Big 4 ngân hàng thương mại vẫn sẽ đảm bảo duy trì được mức lãi suất này. Đồng thời, các doanh nghiệp bất động sản cũng cố gắng tạo ra những điều kiện cần thiết về mặt tài chính để tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.