Phiên chiều: VN-Index bị "đánh úp"

14h45: VN-Index biến động ổn định quanh vùng 1.472 điểm trong suốt phiên giao dịch ngày 15/7. Tuy nhiên, 5 phút cuối trước khi bước vào phiên ATC, thị trường bất ngờ bị bán mạnh. Chỉ số kết phiên tại 1.460,65 điểm - mức gần thấp nhất trong ngày, chấm dứt chuỗi 6 phiên tăng liên tiếp.

Thanh khoản đạt 1,4 tỷ cổ phiếu, giá trị tương ứng 34.509 tỷ đồng. Độ rộng thị trường lệch hẳn về phía tiêu cực với 190 mã giảm, 136 mã tăng và 45 mã đứng giá tham chiếu; 8/11 ngành sụt giảm.

Nhóm chứng khoán - ngân hàng - thép, từng là bệ đỡ trong các phiên trước, đều ghi nhận sự thoát ra của dòng tiền.

Cụ thể, nhóm chứng khoán từng có lúc tăng gần 4%, nhưng kết phiên chỉ còn tăng 0,83%. Một số cổ phiếu như VCI, MBS, FTS… từng tăng mạnh nhưng đóng cửa trong sắc đỏ.

Trong nhóm thép, HPG giảm 0,97%, NKG và HSG từng tăng 2% - 4% nhưng lùi về sát tham chiếu.

Ngành ngân hàng chịu áp lực điều chỉnh mạnh, nổi bật là các cổ phiếu EIB (-2,77%), VPB (-1,19%), HDB (-1,02%)… EVF là cổ phiếu hiếm hoi giữ được sắc xanh với mức tăng 1,72%.

Đáng chú ý, dòng tiền có dấu hiệu đảo chiều. Nhóm công nghệ, chăm sóc sức khỏe, vốn chịu áp lực bán xuyên suốt phiên về cuối lại tăng nhẹ khoảng 0,1% - 0,2%.

Khối ngoại mua ròng tích cực, giá trị mua ròng cả phiên lên đến 1.118 tỷ đồng, tập trung vào SSI (247 tỷ đồng), ETF DCVFMVN DIAMOND (231 tỷ đồng), DXG (203 tỷ đồng), GEX (172 tỷ đồng).

z6806960285334_c30565920860932c6096dc282570b3b9.jpg

Diễn biến cổ phiếu phiên 15/7

14h: Áp lực bán dần xuất hiện, nhóm chứng khoán có tín hiệu chốt lời khi toàn ngành chỉ còn tăng 2,81%. Các cổ phiếu như VIX, SSI, VND hạ nhiệt, từ mức gần trần lùi về tăng gần 4%.

Chỉ số VN-Index theo đó giảm về gần tham chiếu. Tuy vậy, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế với 167 mã tăng, 141 mã giảm và 69 mã đứng giá. Các nhóm ngành viễn thông, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, hạ tầng đều điều chỉnh nhẹ, dưới 0,5%.

Nhóm thép bùng nổ trong phiên sáng nhưng sau đó hạ nhiệt, NKG chỉ còn tăng khoảng 1%, trong khi TLH vẫn giữ trần.

Khối ngoại tiếp tục chốt vị thế long phái sinh khi bán ròng 3.221 hợp đồng, tương ứng giá trị 516 tỷ đồng.

Phiên sáng: Nhóm ngân hàng - chứng khoán - thép hút dòng tiền

11h30: VN-Index khép lại phiên sáng tại 1.474,31 điểm. Thanh khoản 668,3 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 15.817 tỷ đồng.

Nhóm chứng khoán bùng nổ về cuối phiên, tạo sự hưng phấn cho thị trường. Toàn ngành tăng gần 4%, nhiều cổ phiếu lên mạnh như VND (+5,32%), SSI (+5,38%), VIX (+3,8%).

Khối ngoại tăng cường mua ròng lên 553 tỷ đồng, tập trung vào ETF DCVFMVN DIAMOND (228 tỷ đồng), SSI (210 tỷ đồng), DXG (109 tỷ đồng).

Tuần này xuất hiện phiên đáo hạn phái sinh, chỉ số VN30F1 đang dao động trên 1.600 điểm, khối ngoại short ròng hơn 400 tỷ đồng, dần cân lại vị thế đã long trước đó.

z6806365397208_51ca791dd5678d59c78123638c77add2.jpg

Diễn biến nhóm ngành phiên sáng 15/7

9h45: VN-Index tiếp tục đi lên trong phiên sáng 15/7. Chỉ số mở cửa tại 1.473,8 điểm, tăng hơn 3 điểm và duy trì vùng điểm số này trong phần lớn thời gian giao dịch sau đó. Sắc xanh chiếm ưu thế, với 160 mã tăng, 101 mã giảm và 63 mã đứng giá trên sàn HoSE.

Nhóm Vingroup - động lực chính kéo thị trường trong các phiên trước đã có diễn biến điều chỉnh nhẹ. Dòng tiền lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt là ngân hàng, chứng khoán và thép.

Nhóm thép tăng mạnh, nhất là các doanh nghiệp tôn mạ: NKG tăng hơn 3%, đứng top 2 về thanh khoản với 11 triệu cổ phiếu khớp lệnh, cao gấp 5 lần phiên liền trước; HSG và GDA tăng khoảng 2%; các mã vốn hóa nhỏ như TLH, SMC tăng trần. Trong khi đó, HPG đứng tham chiếu. VCA tăng trần sau khi mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh ngành thép quý II/2025 với lợi nhuận đạt 1,9 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Nhóm chứng khoán hút dòng tiền, toàn ngành tăng 1,25%, nổi bật có SHS (+2,72%), VND (+1,96%), HCM (+2%).

Ngân hàng tăng gần 0,3%, một số cổ phiếu bật mạnh như EVF của EVNFinance với mức tăng 3,45%, lên gần 12.000 đồng/cp - mức cao nhất trong một năm. Mới đây, PHS đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này với giá mục tiêu 14.400 đồng/cp, tương đương với mức sinh lời kỳ vọng cho hiện tại lên đến 2x%.

EVNFinance thu hút nhà đầu tư nhờ mô hình hoạt động gần giống ngân hàng bán lẻ, danh mục sản phẩm đa dạng như cho vay tiêu dùng, tín dụng dự án, bảo lãnh và phát hành giấy tờ có giá. Dù hoạt động hiệu quả tiệm cận nhóm ngân hàng, cổ phiếu EVF hiện vẫn có mức định giá thấp.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB, STB, HDB cũng ghi nhận mức tăng khoảng 1%.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán xuất hiện ở nhóm công nghệ (-0,16%) và bất động sản (-0,53%).

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 224 tỷ đồng, tập trung vào ETF DCVFMVN Diamond, SSI, SHB và STB.