Với kỳ vọng đạt mốc 63 tỷ USD vào năm 2030, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang bước vào thời kỳ bùng nổ chưa từng có, trở thành một trong những trụ cột quan trọng thúc đẩy kinh tế số. Tuy nhiên, song hành với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ là hàng loạt thách thức về hạ tầng, dữ liệu và cuộc cạnh tranh “đốt tiền” không hồi kết giữa các sàn TMĐT.
Theo báo cáo E-Economy SEA 2024 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 22 tỷ USD (tính theo tổng giá trị hàng hóa - GMV), xếp thứ ba trong số sáu nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,5% mỗi năm, Việt Nam được dự báo sẽ vượt Thái Lan và vươn lên vị trí thứ hai toàn khu vực vào năm 2030, chỉ sau Indonesia. Từ góc độ trong nước, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, TMĐT Việt Nam đã chính thức cán mốc 25 tỷ USD trong năm 2024, chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước – một con số cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng rõ nét của lĩnh vực này trong nền kinh tế.
![]() |
Tăng trưởng tổng giá trị thanh toán giao dịch điện tử (nghìn tỷ đồng) tại Việt Nam. Nguồn: Google, Temasek, Bain & Company, Chứng khoán Rồng Việt |
TMĐT hiện đóng góp tới 2/3 giá trị nền kinh tế số Việt Nam, trở thành kênh tăng trưởng quan trọng, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – lực lượng chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh nghiệp quốc gia. Với hơn 70.000 doanh nghiệp hoạt động trên các nền tảng số, TMĐT Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình thông qua các mô hình kinh doanh mới như livestream bán hàng, chợ online đặc sản vùng miền hay sàn TMĐT xuyên biên giới. Không chỉ tạo cơ hội xuất khẩu chi phí thấp cho doanh nghiệp trong nước, TMĐT còn mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa toàn cầu cho người tiêu dùng, chỉ với vài thao tác trực tuyến đơn giản.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh sáng màu, vẫn còn những “ổ gà” cần được khắc phục nếu TMĐT Việt Nam muốn phát triển bền vững. Trước hết là bài toán hạ tầng logistics: Việt Nam đang có chỉ số hiệu suất logistics (LPI) thấp trong nhóm sáu nền kinh tế lớn nhất khu vực, khiến chi phí vận chuyển cao và tốc độ giao hàng chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng – yếu tố sống còn trong TMĐT. Bên cạnh đó, việc thiếu các trung tâm dữ liệu hiện đại khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc xử lý lượng truy cập tăng đột biến trong mùa cao điểm hoặc triển khai các công nghệ cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Theo Akamai Technologies, chỉ một độ trễ 100 mili giây cũng có thể làm giảm đến 7% tỷ lệ chuyển đổi – một con số không thể xem nhẹ trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.
Ngoài ra, cuộc đua giành thị phần giữa các sàn TMĐT đang ngày càng trở nên gay gắt, nhưng lại thiếu chiều sâu. Đa phần các nền tảng chọn cách “đốt tiền” thông qua khuyến mãi, miễn phí vận chuyển hay hoàn xu, thay vì đầu tư vào dịch vụ hậu mãi hay nâng cao giá trị sản phẩm. Điều này không chỉ bào mòn biên lợi nhuận mà còn khiến người tiêu dùng dễ dàng thay đổi nền tảng mua sắm, làm giảm tính trung thành và khiến thị trường khó ổn định.
Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Luật TMĐT sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Mục tiêu của luật là cập nhật hành lang pháp lý theo kịp sự phát triển của thị trường, đồng thời giải quyết các tồn tại như hàng giả, gian lận thương mại, xung đột trách nhiệm giữa sàn và người bán. Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT – hành lang pháp lý linh hoạt, sát thực tiễn chính là “hạ tầng mềm” để TMĐT phát triển vững vàng.
Từ những “chợ mạng” mang tính thử nghiệm vài năm trước, TMĐT Việt Nam hôm nay đã trở thành thị trường tỷ đô có ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng tới toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, để hành trình đến đích 63 tỷ USD không bị chệch hướng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước trong vai trò kiến tạo và doanh nghiệp trong vai trò dẫn dắt. Khi cơ sở hạ tầng, dữ liệu và luật chơi đều rõ ràng, minh bạch, TMĐT mới thực sự là “cao tốc” đưa Việt Nam vào kỷ nguyên kinh tế số toàn diện.