Ông Phúc cho biết, để một thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường, doanh nghiệp phải đổ vào đó rất nhiều năm trời với nguồn lực khổng lồ về tài chính, con người và tâm huyết. Đó là cả một quá trình gian nan để xây dựng hình ảnh, mạng lưới phân phối và quan trọng nhất là tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau khi xây dựng được “lâu đài” thương hiệu, các doanh nghiệp này lại rơi vào thế bị động vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất, ông Phúc chia sẻ.
Cụ thể, ông Phúc nói: “Chúng tôi luôn nỗ lực lựa chọn những nhà sản xuất uy tín với đầy đủ giấy tờ được cơ quan nhà nước cấp là đúng chuẩn. Thế nhưng, quá trình sản xuất sẽ trải qua rất nhiều khâu, từ nguyên liệu đầu vào đến công thức phối trộn đều có nguy cơ hàng giả mà thương nhân sở hữu thương hiệu không thể nắm hết được 100%”.
Điều này có nghĩa doanh nghiệp thương mại không thể giám sát trực tiếp những gì diễn biến bên trong nhà máy. Cụ thể, họ đặt hàng dựa trên hợp đồng và các chứng nhận nhưng không thể chắc chắn rằng nguyên liệu có bị đánh tráo hay công thức có bị thay đổi đẻ giảm chi phí hay không.
Vì vậy, ông Phúc khẳng định, chính kẽ hở này khiến doanh nghiệp phải chịu trận khi sản phẩm gặp vấn đề về chất lượng, dù lỗi không xuất phát từ phía họ.
![]() |
Ông Võ Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển thương mại Mekong Việt Nam, Chủ tịch Hội Quán Café Kết Nối Ngành Dược – CPI Center. Ảnh: THUẬN VĂN/Báo Pháp Luật TP.HCM |
Ông Phúc khẳng định: “Việc thương nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm luôn về chất lượng sản phẩm là không khách quan vì chúng tôi không trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất”.
Theo ông Phúc, cần đóng góp ý kiến này vào các dự thảo luật để phân định lại vai trò một cách rạch ròi, sòng phẳng.
Theo đó, đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng sản phẩm so với những gì đã công bố; doanh nghiệp sở hữu thương hiệu sẽ chịu trách nhiệm về hoạt động phân phối, quảng bá và các vấn đề sở hữu trí tuệ của hàng hóa trên thị trường.
Ông Phúc khuyến khích các doanh nghiệp nên ký kết hợp tác với các trung tâm kiểm nghiệm kiểm định uy tín như Trung tâm kiểm nghiệm thuốc TP.HCM, Quatest 3, Viện Pasteur... để đảm bảo xuyên suốt mỗi lô sản phẩm đều đạt chất lượng.
Bên cạnh đó, phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, chặng đường chống hàng gian, hàng giả rất dài và nhiều khó khăn.
Theo bà Hạnh, để thực hiện tốt cần có sự đồng hành giữa hàng lang pháp lý của các cơ quan nhà nước, Chính phủ. Đồng thời phải có sự đồng hành của doanh nghiệp và thái độ, hành động của người tiêu dùng trước hàng gian, hàng giả.