Việt Nam đang đứng trước thời khắc chuyển mình trong định hình cấu trúc tài chính quốc gia. Theo Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã vượt ngưỡng 135% – mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Thái Lan (118%), Malaysia (90%) và gấp hơn ba lần Indonesia (38%).

Cấu trúc tài chính này đặt ngân hàng vào vị trí gần như độc quyền trong cung ứng vốn, trong khi các kênh dẫn vốn trung và dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, quỹ đầu tư, Fintech vẫn phát triển chậm, cả về thể chế lẫn hạ tầng. Điều này không chỉ tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng, mà còn giới hạn khả năng thu hút vốn cho tăng trưởng đổi mới sáng tạo.

Tín dụng vượt ngưỡng 135% GDP, cao nhất Đông Nam Á: Kinh tế Việt Nam ‘khát’ một thị trường vốn đúng nghĩa
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tín dụng quá tải, thị trường vốn còn non trẻ

Trong năm 2024, tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng thương mại niêm yết đạt gần 300.000 tỷ đồng, với 6 ngân hàng vượt mốc 1 tỷ USD. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh, nhưng chủ yếu đến từ tín dụng. PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận định: “Phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng không chỉ làm gia tăng rủi ro hệ thống mà còn khiến thị trường tài chính kém linh hoạt trước biến động vĩ mô”.

Theo Bộ Tài chính, các ngân hàng hiện đang nắm giữ 70–80% lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành. Trong khi đó, hơn 97% doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hầu hết đều không thể phát hành trái phiếu do vướng điều kiện về kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin. Do vậy, các DNNVV buộc phải quay lại ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất cao hơn từ 3 đến 4 điểm phần trăm so với doanh nghiệp lớn, làm tăng chi phí vốn và suy giảm khả năng cạnh tranh.

Trên thị trường chứng khoán, hơn 80% giá trị giao dịch mỗi ngày đến từ nhà đầu tư cá nhân – nhóm đối tượng có xu hướng đầu cơ, nhạy cảm với tin tức và thường thiếu thông tin phân tích. Theo bà Trần Thị Hà (Viện Chiến lược và Chính sách Kinh tế – Tài chính), sự thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức khiến thị trường dễ rơi vào biến động mạnh khi có cú sốc tâm lý, từ đó khó tạo được dòng vốn ổn định cho doanh nghiệp trung và dài hạn.

Khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp công nghệ

FPT hiện là doanh nghiệp công nghệ duy nhất trong rổ VN30, với tỷ trọng vốn hóa khoảng 5%. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Anh – Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM): “FPT là ngôi sao sáng, nhưng không còn room ngoại nữa. Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào công ty công nghệ, chúng tôi không có tên nào khác để giới thiệu”.

Nguyên nhân đến từ yêu cầu IPO hiện hành trong Luật Chứng khoán: doanh nghiệp phải có hai năm liên tiếp có lãi và không có lỗ lũy kế. TS. Trần Văn (Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số) cho rằng: “Điều kiện này vô hình trung chặn cửa niêm yết của các startup đang tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nơi đầu tư ban đầu rất lớn và lợi nhuận âm là điều bình thường”.

Do vậy, nhiều “kỳ lân” Việt như Tiki, Topica, Cốc Cốc, Base... đã chọn cách thành lập pháp nhân tại Singapore, Hong Kong để dễ dàng gọi vốn rồi đầu tư ngược về nước. Đây là mô hình được nhiều nước áp dụng, nhưng lại làm chảy máu tài sản trí tuệ và hạn chế cơ hội đầu tư trực tiếp vào đổi mới sáng tạo trong nước.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã triển khai các sàn riêng biệt cho doanh nghiệp công nghệ, như Nasdaq (Mỹ), Catalist (Singapore), NSE Emerge (Ấn Độ), ACE Market (Malaysia), Live Exchange (Thái Lan). Những sàn này không bắt buộc doanh nghiệp phải có lợi nhuận mà chú trọng vào kế hoạch kinh doanh, minh bạch dòng tiền và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Việt Nam cần nhanh chóng học hỏi kinh nghiệm và thiết kế một khuôn khổ pháp lý linh hoạt, ưu tiên cho nhóm doanh nghiệp công nghệ, đổi mới sáng tạo có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.

Thể chế – Hạ tầng – Nhà đầu tư tổ chức: Ba trụ cột

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP (ngày 11/7/2022) và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW (ngày 04/5/2025), đặt mục tiêu đến năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, phấn đấu nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.

Một trong các giải pháp đã triển khai là Thông tư 03/2025/TT-NHNN và Thông tư 20/2025/TT-BTC, giúp rút ngắn thời gian mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài xuống còn vài ngày, đồng thời bỏ yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự. Đây là bước tiến quan trọng để Việt Nam tiến gần hơn đến tiêu chí nâng hạng thị trường của FTSE Russell và MSCI.

Về hạ tầng, hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2025, mở đường cho việc triển khai các sản phẩm phái sinh mới, bao gồm quyền chọn, hợp đồng tương lai trái phiếu, thanh toán bù trừ tập trung. Điều này giúp gia tăng thanh khoản, mở rộng dải sản phẩm đầu tư và tiệm cận với chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nằm ở cơ cấu nhà đầu tư. Trong số gần 9,7 triệu tài khoản chứng khoán hiện nay, chỉ có khoảng 22.680 tài khoản thuộc về tổ chức trong nước và 48.260 là tài khoản nước ngoài – chiếm chưa đến 1%. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, cần nhanh chóng thúc đẩy hình thành các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo hiểm dài hạn và ban hành cơ chế bảo hiểm trái phiếu doanh nghiệp để nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.

Song song đó, cần triển khai khung sandbox pháp lý cho các nền tảng Fintech như P2P lending, lending-tech – những mô hình có tiềm năng lan tỏa tín dụng vi mô, hỗ trợ khu vực chưa chính thức và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận vốn hiệu quả hơn.

Thị trường vốn: Bắt buộc phải phát triển để Việt Nam bứt phá

Tỷ lệ tín dụng trên GDP vượt 135% không chỉ là cảnh báo về sự mất cân đối, mà là giới hạn tự nhiên của mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào ngân hàng. Để chuyển hóa mô hình tài chính quốc gia, Việt Nam cần kiến tạo một thị trường vốn đúng nghĩa – nơi vốn trung và dài hạn được huy động minh bạch, rủi ro được chia sẻ hợp lý và năng lực tài chính được nhân lên bằng sức mạnh của công nghệ, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thể chế hiện đại.

Đây không chỉ là cải cách kinh tế – mà là nền tảng để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là mục tiêu của một Việt Nam vững mạnh trong kỷ nguyên toàn cầu hóa tài chính. Và thị trường vốn chính là bước đi bắt buộc trên hành trình đó.