Trong bối cảnh kinh tế số trở thành một trụ cột mới của tăng trưởng, vai trò của doanh nghiệp công nghệ – đặc biệt là các kỳ lân – ngày càng rõ nét. Thế nhưng, nghịch lý lớn nhất hiện nay là trong khi đổi mới sáng tạo được xác định là động lực chính để Việt Nam nâng tầm cạnh tranh quốc gia, thì khu vực doanh nghiệp công nghệ lại bị “bỏ rơi” trên thị trường vốn.

Với chỉ 16 doanh nghiệp công nghệ trong hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, chiếm chưa đầy 1%, thị trường chứng khoán Việt Nam rõ ràng đang thiếu một cấu phần sống còn: nền tảng huy động vốn công khai phù hợp với đặc thù tài chính của doanh nghiệp công nghệ. Đây chính là lý do vì sao một “Nasdaq phiên bản Việt” không chỉ là lựa chọn, mà là yêu cầu mang tính chiến lược để giữ chân những kỳ lân bản địa.

Vì sao Việt Nam cần một ‘Nasdaq phiên bản Việt' để giữ chân kỳ lân công nghệ?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Không có sân chơi, kỳ lân công nghệ “xuất ngoại”

Theo Luật Chứng khoán hiện hành, doanh nghiệp muốn niêm yết bắt buộc phải có hai năm liên tiếp có lãi và không lỗ lũy kế. Đây là rào cản lớn với startup công nghệ, vốn phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu để đầu tư vào nền tảng công nghệ, đội ngũ kỹ sư và mở rộng thị trường. TS. Trần Văn – Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) nhận định: “Các kỳ lân thường cần 7–10 năm mới có dòng tiền dương, trong khi phải huy động vài chục đến vài trăm triệu USD từ sớm. Nếu không có cơ chế đặc thù, họ buộc phải ra nước ngoài gọi vốn".

Thực tế, nhiều startup Việt đã chọn lập pháp nhân tại Singapore, Hongkong hay Mỹ. Tiki Global là ví dụ tiêu biểu: năm 2021, công ty này được thành lập tại Singapore và ngay lập tức nhận chuyển nhượng 90,5% cổ phần từ Ti Ki – đơn vị vận hành Tiki tại Việt Nam. Các tên tuổi như Base, Topica hay Cốc Cốc cũng đã sử dụng chiến lược tương tự để tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Khi doanh nghiệp “xuất khẩu pháp nhân”, dòng vốn huy động, quyền định giá và tài sản trí tuệ đều rơi vào tay các trung tâm tài chính nước ngoài. Việt Nam không chỉ mất dòng tiền, mà còn đánh mất quyền định hướng tương lai của những doanh nghiệp công nghệ dẫn dắt.

Bà Nguyễn Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ: “FPT là ngôi sao sáng, nhưng không còn room ngoại nữa. Vì vậy nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ tiền vào công ty công nghệ, chúng tôi cũng không có cái tên nào để đưa ra cho họ". Một câu nói thể hiện rõ thực trạng “đói hàng” công nghệ chất lượng trên sàn Việt Nam.

Thế giới đã có sàn riêng – Việt Nam không thể chậm chân

Không phải ngẫu nhiên mà Nasdaq tại Mỹ, Innovators Growth Platform (IGP) tại Ấn Độ, Catalist tại Singapore, ACE Market ở Malaysia hay Live Exchange tại Thái Lan đều là các sàn chuyên biệt cho doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp và tăng trưởng nhanh. Các sàn này đều bỏ yêu cầu lợi nhuận, thay vào đó áp dụng các tiêu chí định tính như mức độ sở hữu của nhà đầu tư tổ chức, doanh thu tối thiểu hoặc đánh giá triển vọng tăng trưởng. Ví dụ, sàn IGP cho phép doanh nghiệp niêm yết nếu có ít nhất 25% cổ phần được nắm giữ bởi tổ chức tài chính chuyên nghiệp. Catalist áp dụng mô hình “sponsor regime”, trong đó doanh nghiệp được bảo lãnh niêm yết bởi một tổ chức tư vấn có năng lực.

Đặc biệt, phương pháp định giá trên các sàn công nghệ được thiết kế khác biệt. P/E – vốn phù hợp với các doanh nghiệp có dòng tiền ổn định – được thay bằng các chỉ số như P/S (giá trên doanh thu), EV/EBITDA hoặc chiết khấu dòng tiền tương lai (DCF). Việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), cơ chế công bố thông tin song ngữ, cùng hệ thống giám sát giao dịch tự động cũng giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu.

Điểm chung của các mô hình thành công này là việc xây dựng hệ sinh thái tài chính phù hợp với bản chất của doanh nghiệp công nghệ – nơi tốc độ mở rộng quy mô, hiệu ứng mạng lưới người dùng và giá trị tài sản số mới là yếu tố cốt lõi chứ không phải lợi nhuận ngắn hạn.

Thị trường vốn mất cân bằng – Cần một trụ cột công nghệ

Việt Nam hiện có tỷ lệ tín dụng trên GDP vượt 135% – cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo “Vietnam at a glance” của HSBC Global Research. Tín dụng ngân hàng đang gánh gần như toàn bộ vai trò cấp vốn cho nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường vốn – đặc biệt là cổ phiếu – chưa thực hiện đúng chức năng là kênh huy động dài hạn cho doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích: “Khoảng 70–80% lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là của khối ngân hàng. Doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là công nghệ – gần như không thể tiếp cận trái phiếu hay cổ phiếu nếu không có sàn riêng". Báo cáo của Chính phủ tại Nghị quyết 86/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2025, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP. Nhưng nếu không có sự góp mặt của doanh nghiệp công nghệ – nơi có khả năng tạo đột phá – các mục tiêu này sẽ khó hoàn thành.

Trước tình hình đó, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội vào ngày 20/5/2025, các đại biểu đã chính thức lên tiếng về những bất cập thể chế hiện nay. Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) đề xuất sửa Luật Doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp không bắt buộc giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phần, từ đó duy trì cổ phiếu quỹ – công cụ giúp ổn định giá cổ phiếu và điều tiết cung cầu. Đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cảnh báo: “Nếu không đảm bảo quyền mua ưu tiên với cổ đông hiện hữu, doanh nghiệp công nghệ có thể bị thôn tính bởi các quỹ nước ngoài". Những kiến nghị này cho thấy, cần một hành lang pháp lý mới – linh hoạt, hiện đại và đồng bộ – để doanh nghiệp công nghệ không bị “vô hình” trên thị trường.

Không thể để giấc mơ kỳ lân bay khỏi Việt Nam

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và báo cáo của VPBankS cho thấy: suốt 10 năm qua, không có một doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn nào IPO tại Việt Nam. Trong khi đó, các thương vụ IPO nổi bật đều thuộc về nhóm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản và tiêu dùng. Tỷ trọng doanh nghiệp công nghệ trên tổng số doanh nghiệp niêm yết chưa đến 1%, trong khi khu vực ICT đóng góp khoảng 5–6% GDP.

Bà Nguyễn Ngọc Anh (SSIAM) nhận định: “Nếu TTCK là hàn thử biểu của nền kinh tế, thì việc thiếu vắng doanh nghiệp công nghệ phản ánh rằng kinh tế số Việt Nam chưa được đo đếm đúng mức". Mục tiêu trong Nghị quyết 68-NQ/TW đến năm 2030 là tăng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số lên 30% GDP, nhưng nếu không có sân chơi tài chính riêng, giấc mơ này sẽ tiếp tục nằm ngoài tầm với.

Việt Nam cần sớm thiết kế một sàn giao dịch riêng cho doanh nghiệp công nghệ, triển khai thử nghiệm theo mô hình “IPO sandbox” tại Trung tâm Tài chính Quốc tế TP.HCM hoặc Đà Nẵng. Sàn này cần cho phép định giá theo doanh thu, chấp nhận doanh nghiệp chưa có lợi nhuận nếu có bảo lãnh từ nhà đầu tư tổ chức và cam kết công bố thông tin theo IFRS. Quan trọng hơn, đây không chỉ là cải cách kỹ thuật mà còn là biểu tượng của một cam kết chính sách: phát triển kinh tế số bằng nội lực – tại chỗ – và bằng doanh nghiệp Việt Nam.

Nếu chậm thêm một bước, Việt Nam không chỉ đánh mất dòng vốn, mà còn xuất khẩu cả tài năng, tài sản và vị thế quốc gia cho những trung tâm tài chính khác. Một “Nasdaq phiên bản Việt” không chỉ là nơi chào bán cổ phần, mà còn là nơi khởi đầu của những giấc mơ công nghệ Việt được ươm mầm và bứt phá từ chính quê hương.