Trong làn sóng chuyển đổi số và toàn cầu hóa mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, FPT nổi lên như một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong, giữ vai trò “đầu tàu” trong lĩnh vực công nghệ. Với khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc tế, FPT không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường trong nước mà còn tạo dấu ấn rõ nét tại các trung tâm công nghệ lớn trên toàn cầu.
Gần 3 thập kỷ qua, tập đoàn này đã bền bỉ khai phá thị trường nước ngoài, chinh phục những khách hàng khó tính nhất và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia qua các hoạt động chuyển đổi số, giáo dục, đào tạo và đổi mới sáng tạo.
Sự ra đời của Nghị quyết 68 để phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là cú hích thể chế quan trọng đối với FPT nói riêng và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung. Nghị quyết không chỉ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đầu tàu tiếp tục đầu tư vào R&D, công nghệ lõi, mà còn mở ra hành lang pháp lý thuận lợi để FPT hiện thực hóa khát vọng vươn tầm thế giới trong kỷ nguyên số.
Hành trình 27 năm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Từ một công ty nhỏ trực thuộc Nhà nước với đội ngũ ban đầu gồm 13 nhà khoa học trẻ vào năm 1988, FPT đã vươn mình trở thành một trong những tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam. Hiện nay, FPT nằm trong nhóm VN30 - Top 30 doanh nghiệp uy tín và có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính cuối năm 2024, tập đoàn có hơn 54.860 nhân viên làm việc tại 30 quốc gia, trong đó gần 3.500 nhân sự người nước ngoài với 87 quốc tịch, chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Slovakia, Malaysia, Mexico, Philipines…. FPT đã khẳng định vị thế toàn cầu của mình. Tuy nhiên, trải qua 37 năm hình thành và phát triển, hành trình của FPT không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”.
Năm 1998, tại hội nghị Diêm Hồng, công ty đã quyết định chi tới 1 triệu USD cho xuất khẩu phần mềm. Để thể hiện quyết tâm này, Chủ tịch Trương Gia Bình đã phát biểu một câu nói nổi tiếng: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải thực hiện thành công xuất khẩu phần mềm”.
![]() |
Làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất của FPT được bắt đầu vào năm 1998, với quyết tâm xuất khẩu phần mềm (Ảnh: Bảo tàng FPT) |
Ban đầu, công ty “tiến công” sang thị trường Bangalore (Ấn Độ) và Silicon Valley (Mỹ) nhưng kết quả không mấy khả quan, FPT chỉ thực sự "cất cánh" khi chinh phục thành công được thị trường khó tính nhất - Nhật Bản từ năm 2005.
Các năm sau đó, FPT liên tiếp mở văn phòng tại Singapore, châu Âu và quay trở lại Mỹ. Quy mô dự án cũng dần tăng lên, từ vài triệu USD đến 10, 20, 30 triệu USD và 100 triệu USD. Bộ sưu tập khách hàng cũng đồ sộ hơn với hàng chục cái tên trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.
Năm 2014, FPT Software là doanh nghiệp CNTT Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào danh sách Top 500 doanh nghiệp phần mềm lớn của thế giới do Software Magazine bình chọn. FPT được công nhận ở cấp đối tác hàng đầu của nhiều ông lớn như Microsoft, IBM, Amazon Web Services, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus… FPT cũng mở con đường xuất khẩu phần mềm cho các doanh nghiệp Việt, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến được ưa chuộng hàng đầu về xuất khẩu phần mềm trên toàn cầu.
"Ưu tiên hàng đầu của FPT là nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, cạnh tranh bình đẳng với những người khổng lồ trên thế giới, từ đó khẳng định mình là tập đoàn công nghệ số hàng đầu", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định.
Một dấu mốc quan trọng khác là vào cuối năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường quốc tế cán mốc 1 tỷ USD. Thành tựu này là minh chứng rõ nét cho sự thành công của chiến lược xuất khẩu phần mềm mà FPT đã tiên phong triển khai cách đây 27 năm.
Năm 2024, FPT đạt mục tiêu tăng trưởng 2 chữ số và cao nhất lịch sử hoạt động với doanh thu 62.849 tỷ đồng và lãi trước thuế 11.071 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.
![]() |
Kết quả kinh doanh của FPT trong 2 thập kỷ (Ảnh: Tự tổng hợp) |
Trong đó, mảng dịch vụ CNTT nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao 27,4% (30.953 tỷ đồng), chủ yếu nhờ tăng trưởng đến từ thị trường Nhật (+32,2%) và APAC (+34,8%), thúc đẩy bởi nhu cầu chi tiêu cho công nghệ thông tin lớn tại các thị trường này, đặc biệt là chi tiêu cho chuyển đổi số.
Đáng chú ý, doanh thu ký mới tiếp tục đà tăng trưởng cao, đạt 33.592 tỷ đồng (+13%), tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Năm 2024, FPT tiếp tục ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, thắng thầu 48 dự án lớn với quy mô trên 5 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Cống hiến từ toàn cầu về nội địa - Xây nền cho quốc gia số
Với tầm nhìn không chỉ phục vụ khách hàng toàn cầu, FPT còn hướng tới việc làm giàu tài nguyên tri thức và năng lực công nghệ cho chính người Việt. Vai trò của FPT trong hệ sinh thái chuyển đổi số quốc gia thể hiện rõ nét qua 3 trụ cột: Giáo dục - đào tạo, hạ tầng công nghệ và hợp tác công – tư trong quản trị số.
Năm 2006, tập đoàn thành lập trường Đại học FPT, đánh dấu bước đầu tiên cho công cuộc phát triển nguồn nhân lực. Đến cuối năm 2024, hệ sinh thái giáo dục của FPT đã phát triển rộng khắp 28 tỉnh thành với 152.000 người học ở các cấp phổ thông, đại học và đào tạo nghề.
![]() |
Hệ sinh thái giáo dục của FPT đã phát triển rộng khắp 28 tỉnh thành (Ảnh minh họa) |
Mô hình "trường học doanh nghiệp" của FPT đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn. Sinh viên được tạo điều kiện thực hành tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Mô hình này giúp mở rộng nhanh chóng lực lượng kỹ sư bán dẫn hỗ trợ mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn vào năm 2030. Ngoài ra, FPT cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư AI, cung cấp kỹ năng, kiến thức về AI cho 500.000 nhân lực vào năm 2030.
Trong lĩnh vực quản trị công, FPT là đơn vị tư vấn và triển khai hàng chục dự án chuyển đổi số cho các tỉnh, thành phố như TP. HCM, Quảng Ninh, Huế, Bình Định… Tính đến cuối năm 2024, FPT đã ký kết hợp tác chuyển đổi số với 31 tỉnh, góp phần cải thiện hiệu quả điều hành, quản lý công và cung cấp dịch vụ công thân thiện hơn cho người dân.
Về mặt công nghệ lõi, FPT đã đầu tư Trung tâm trí tuệ nhân tạo và Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn. Trong năm 2025, FPT sẽ đầu tư mở rộng các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM; Đầu tư thêm vào dự án Nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Bình Định, Tập đoàn FPT và quan khách nhấn nút khởi công dự án (Ảnh: VnExpress) |
FPT cũng đi đầu trong các sáng kiến công nghệ Việt Nam như viết phần mềm cho xe tự lái, phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT. AI, xây dựng nền tảng điện toán đám mây FPT Cloud và vận hành mô hình thành phố thông minh ở nhiều khu đô thị lớn.
Nghị quyết 68 - Động lực thể chế cho cú hích vươn tầm
FPT không chỉ chuyển mình trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu mà còn chuyển hoá những thành quả ấy thành nội lực cho Việt Nam. Nhưng để vươn xa hơn nữa, FPT và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần một khung thể chế đủ mạnh – nơi mà tầm nhìn quốc gia, chính sách hỗ trợ và khát vọng doanh nghiệp cùng giao thoa. Đó chính là vai trò được kỳ vọng từ Nghị quyết 68.
Được ban hành vào đầu tháng 5/2025, Nghị quyết 68/NQ-TW là kết tinh từ khát vọng xây dựng một nền kinh tế Việt Nam đổi mới, số hóa và có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, trong đó đề cập việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân, với các cơ chế, chính sách đột phá.
![]() |
Nghị quyết 68 đưa ra nhiệm vụ hình thành và phát triển các doanh nghiệp Việt tầm cỡ khu vực và toàn cầu (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập nhiệm vụ hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Xây dựng, triển khai chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global)…
Với FPT, đây là cơ hội vàng để đề xuất các mô hình đặc khu công nghệ cao, trung tâm dữ liệu quốc gia và chương trình “Go Global” thế hệ tiếp theo. Trong cuộc gặp ngày 18/5/2025 với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, FPT đã trình bày hệ sinh thái AI và cam kết đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa Nghị quyết 66 và 68, đặc biệt trong đào tạo nhân lực và ứng dụng AI vào quản trị quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở định hướng, FPT đang triển khai chương trình phổ cập AI cho cộng đồng với sự hỗ trợ của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) thông qua “Day of AI”. Tính đến tháng 5/2025, FPT đã đào tạo hơn 10.000 giáo viên, phổ cập tài liệu AI tới 1.000 trường học và tập huấn kỹ năng AI cho 500 cán bộ đoàn tại các địa phương. Đây là hành động cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68 trong việc đưa công nghệ đến từng người dân.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm hoan nghênh nhiệm vụ rất quan trọng của FPT, với nền tảng công nghệ cốt lõi |
Từ một doanh nghiệp công nghệ non trẻ, FPT đã trở thành “ngọn cờ đầu” của Việt Nam trong tiến trình hội nhập số toàn cầu. Những thành tựu đã đạt được trong gần 3 thập kỷ qua không chỉ mang về ngoại tệ, việc làm và danh tiếng quốc gia, mà còn mở đường cho hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt đi theo sau.
Với nền tảng vững chắc và tinh thần tiên phong, FPT hoàn toàn có đủ điều kiện để bước vào giai đoạn bứt tốc mới. Nghị quyết 68 – nếu được triển khai hiệu quả và nhất quán – sẽ là "cánh tay" thể chế quan trọng giúp FPT nói riêng và các doanh nghiệp số Việt Nam nói chung vươn ra thế giới một cách tự tin và bền vững.