Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo

Ngày 23/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin về việc đã nhận được thông báo từ Cơ quan an ninh điều tra - Công an thành phố Hà Nội về quyết định khởi tố vụ án hình sự "thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ)".

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam và CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

CQĐT đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 5 bị can gồm ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc CTCP chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Huỳnh Thị Mai Dung (vợ Nguyễn Đỗ Lăng); ông Phạm Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Nguyễn Thị Thanh, Kế toán trưởng Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương; bà Phạm Thị Đức Việt, Phó phòng Dịch vụ khách hàng Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương.

Cùng chúng tôi nhìn lại toàn cảnh nhóm cổ phiếu “họ Apec”.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng và hệ sinh thái Apec Group

Hệ sinh thái Apec Group gắn liền với tên tuổi của ông Nguyễn Đỗ Lăng – doanh nhân sinh năm 1974, người Thái Bình.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng có bằng thạc sỹ kinh tế Đại học Trento – Ý. Năm 1998 ông bắt đầu sự nghiệp từ vị trí giám đốc điều hành Công ty Prometeo – Italia. Năm 2000 ông chuyển qua làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường CIC - một công ty trong lĩnh vực tư vấn du học.

Năm 2006 ông Nguyễn Đỗ Lăng sáng lập hệ sinh thái Apec Group với cặp đôi doanh nghiệp trên sàn là CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (Apec Investment – API) và CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (Apec Securities – APS).

Năm 2015 ông Nguyễn Đỗ Lăng trúng cử thành viên Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Apec Group, cùng với đó, cả vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng, bà Huỳnh Thị Mai Dung, và con trai Nguyễn Đỗ Đức Lâm cũng đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại IDJ.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo

Website của Apec Group có thông điệp của Chủ tịch HĐQT - ông Nguyễn Đỗ Lăng - trong đó khẳng định "tôi chọn số đông bởi cùng với những thành qủa mà tôi và Apec đạt được, tôi muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Hạnh phúc không phải là điểm đến, mà là một hành trình”.

Ngoài hệ sinh thái Apec, ông Nguyễn Đỗ Lăng hiện tại còn kiêm chức vụ tại một số doanh nghiệp khác. Nổi nhất trong số đó là tại Tập đoàn Cotana (mã chứng khoán CSC), ông Nguyễn Đỗ Lăng đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT. Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương, vợ và con ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng đã tham gia nhiều giao dịch với cổ phiếu CSC.

Năm 2021 cổ phiếu CSC cũng đã có một chu kỳ vẽ hình cây thông, từ vùng giá 27.000 đồng hồi đầu năm, đã tăng nhanh và "phi" thần tốc cuối năm 2021, lên 145.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh). Tuy vậy sau khi lập đỉnh, CSC cũng vẽ sườn phải đi xuống của đồ thị hình cây thông.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Hệ sinh thái Apec Group

Hệ sinh thái Apec Group là một tập đoàn đa ngành nghề, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư tài chính, phát triển bất động sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khai thác vận hành dịch vụ khách sạn, kinh doanh nội thất, xử lý các vấn đề về môi trường, cung cấp dịch vụ viễn thông…

Với hệ sinh thái rộng, đa ngành nghề, Apec Group có các công ty con, công ty thành viên quản lý các mảng kinh doanh khác nhau. Trong số đó có 3 doanh nghiệp có cổ phiếu đang giao dịch trên sàn chứng khoán là CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APS), CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) – công ty liên kết.

Ngoài ra các công ty hoạt động trong mảng viễn thông CTCP Viễn thông Apec (Apectelecom), mảng khách sạn nghỉ dưỡng Mandala Hotel & Spa, mảng nội thất CTCP Dream Works Việt Nam.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Apec Investment (API) từng lấy đi không ít nước mắt của nhà đầu tư

CTCP Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (mã chứng khoán API) thành lập cùng năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu gần 23 tỷ đồng. Năm 2009 công ty đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên Upcom và năm 2010 chuyển niêm yết tại HNX.

Năm 2021 vừa qua cổ phiếu API mang lại nụ cười, nhưng cũng lấy đi không ít nước mắt của nhà đầu tư. Tốc độ tăng/giảm chóng mặt của API khiến các nhà đầu tư không thể thoát hàng.

Bắt đầu từ khoảng đầu tháng 8/2021 API đang giao dịch dưới 20.000 đồng/cổ phiếu (giá chưa điều chỉnh), thì đến cuối tháng 9/2021 API đã vượt 46.000 đồng/cổ phiếu – hơn gấp đôi trong vòng 2 tháng. Còn 1 tháng sau đó, ngày 5/11/2021 API vượt 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán.

Tăng sốc, giảm sâu, API chạm ngưỡng 60.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng mất đi 40% giá trị vào giữa tháng 1/2022.

Nhịp tăng thứ 2 ngay tiếp sau đó, nhưng tỷ lệ tăng không cao, trong khi “sập” xuống rất nhanh. API về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu trở lại vào 13/9/2022. Kết thúc hành trình 1 năm thăng trầm, API từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu, tăng vọt lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu và trở lại mức dưới 20.000 đồng.

Tại ĐHĐCĐ Apec Investment cũng diễn ra vào tháng 11, lãnh đạo doanh nghiệp tự tin tuyên bố cổ phiếu API có thể lên đến 200.000 đồng/cổ phiếu. Lãnh đạo doanh nghiệp còn cổ vũ “API như cái lò xo non đang chờ đợi được bứt phá”. Tuy vậy chuỗi giảm điểm đó đã tiếp đó đã đưa API về dưới mệnh giá trước khi phục hồi nhẹ trở lại.

Sau thông tin khởi tố về vụ thao túng giá chứng khoán, và lãnh đạo bị bắt, cổ phiếu API đã dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Nhà đầu tư lại một lần nữa mắc kẹt khó tìm ra lối thoát ngay.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

APS của Apec Securities từng tăng gấp 12 lần trong gần 1 năm

Ở mảng tài chính, CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương cũng được thành lập vào cùng năm 2006 với vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Năm 2009 công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn Upcom và năm 2010 chuyển niêm yết sang HNX. Lộ trình lên sàn, chuyển sàn của cặp đôi API và APS giống nhau.

Về diễn biến giá cổ phiếu APS, lùi về thời gian cuối 2020 đầu 2021 cổ phiếu này đang được xếp dạng “trà đá”, dưới 4.500 đồng/cổ phiếu. Thậm chí đầu tháng 12/2020 cổ phiếu APS còn giao dịch dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.

Biến động bắt đầu tư đầu tháng 1/2021 khi APS liên tục tăng mạnh cả về thanh khoản và giá. Các nhà đầu tư bắt đầu để ý tới cổ phiếu này và cái tên Nguyễn Đỗ Lăng cũng thường được các diễn đàn nhắc tới với hệ sinh thái Apec. Dù tăng, nhưng đến đầu tháng 4/2021 APS mới vượt mệnh giá.

Trên thực tế “sóng” cổ phiếu APS chưa bắt đầu từ giai đoạn đầu năm, mà đó đang là giai đoạn tích lũy để thanh khoản tăng dần. Thời điểm tháng 8, tháng 9, có những phiên 5-6 triệu cổ phiếu APS khớp lệnh.

APS bắt đầu phi mạnh từ đầu tháng 10, tạo đỉnh ở mức gần 60.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng gấp 12-13 lần thời điểm đầu năm 2021. Tuy vậy mức giá này không giữ được, vừa lập đỉnh, APS đã lại lao dốc về dưới 27.000 đồng/cổ phiếu – tương ứng mất đi hơn 50% giá trị ngay cuối tháng 1/2022.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Tháng 4/2022 khi nhóm cổ phiếu API, APS và IDJ bốc hơi gần nửa giá trị, ban lãnh đạo nhóm công ty từng gây chú ý với màn hô hào cổ đông “quyết tâm gồng lãi” trong buổi họp Đại hội đồng cổ đông.

Cũng trong buổi ĐHCĐ đó, một lãnh đạo khác của doanh nghiệp khi đó còn tự tin khẳng định: "Hiện tại, chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng 2-2,5 lần trong thời gian tới". Apec lúc đó được giới đầu tư nhắc tới với hình ảnh “lãnh đạo quảng khăn tím hô hào cổ đông gồng lãi”.

Tháng 10/2022 APS xuyên thủng luôn mệnh giá, thanh khoản giảm trở lại khiến nhà đầu tư lỡ lên tàu chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo

Cổ phiếu IDJ cũng tạo hình cây thông

Sóng của cổ phiếu IDJ bắt đầu từ tháng 8/2021. Cổ phiếu IDJ đang giao dịch đều đều ở vùng giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh) với thanh khoản hàng trăm ngàn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. Rất ít phiên có trên 1 triệu cổ phiếu khớp lệnh.

Tuy vậy “biến” xuất hiện từ đầu tháng 8 khi thanh khoản tăng đột biến. Giá cổ phiếu cũng tăng mạnh theo lên vượt 42.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh), tương ứng gấp 7-8 lần giá trước đó. Tốc độ tăng nhanh, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, đến giữa tháng 11/2021 IDJ đạt đỉnh. Lên, và xuống cũng rất nhânh, IDJ vẽ hình cây thông nhịp thứ nhất.

Năm 2023 IDJ tiếp tục tạo sóng. Từ vùng giá quanh quanh 4.500 đồng/cổ phiếu, IDJ tăng vọt lên vùng 15.000 đồng/cổ phiếu trước khi giảm sàn 2 phiên liên tiếp trước tin bị khởi tố.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Nhóm 3 cổ phiếu họ Apec có những điểm giống nhau về "sóng". Để khi nhìn lại đồ thị và quyết định khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán, nhà đầu tư mới thật bất ngờ.

Tình hình kinh doanh nhóm Apec ra sao?

Kết quả kinh doanh của Apect Investment cho thấy năm 2021 là năm lãi lớn nhất - đây cũng là năm cổ phiếu API được đẩy lên cao điểm. Còn lợi nhuận năm 2022 giảm mạnh, và đặc biệt cả quý 1/2023 chỉ lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng và doanh thu cũng chỉ quanh mức 62 tỷ đồng.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương cũng ghi nhận số lỗ 449 tỷ đồng năm 2022 trong khi năm 2021 vẫn có lãi lớn 562 tỷ đồng. Cũng như Apec Investment, kết quả kinh doanh của Apec Securities cũng chỉ nổi trội trong năm 2021 - năm "sóng" cao nhất của cổ phiếu APS.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Đầu tư IDJ cũng cùng kịch bản khi năm 2021 lãi lớn. Năm 2022 lợi nhuận giảm sút dần. Còn trước thời điểm 2021 Đầu tư IDJ không có nhiều đột biến về kết quả kinh doanh.

Toàn cảnh vụ Apec khiến cơ quan điều tra khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Bộ 3 API, APS và IDJ dậy sóng

Khi một cổ phiếu biến động bất thường, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Một điểm khá đặc biệt là bộ 3 API, APS và IDJJ, thường như có những nhịp sóng gần giống với nhau, kịch bản tăng/giảm cũng khá giống nhau.

Bộ 3 này còn một đặc điểm là kết quả kinh doanh khá giống về đồ thị: Nhiều năm kinh doanh không đột phá, năm 2021 bất ngờ tăng vọt và năm 2022 giảm sút.

Năm 2021, 2022 là năm cả nước trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là thời điểm nhiều nhóm hội chứng khoán được thành lập và hô vang khẩu hiệu đầu tư.

Tháng 12/2022 Apec Investment bị phạt do đã âm thầm thực hiện mua 4,5 triệu cổ phiếu API mà không đăng ký chào mua công khai. Hình thức phạt mức nặng 250 triệu đồng.

Cùng kêu gọi cổ đông gồng lãi, cùng hứa hẹn về 1 “cửa sáng” cho cổ phiếu, thế nhưng bộ 3 nhà Apec Group đã lại cùng rủ nhau đi xuống. Cơ quan chức năng vào cuộc, khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán. Hồi kết sẽ còn phải chờ phán xét cuối cùng.