Phát biểu tại Hội nghị Đầu tư 2025: Tích lũy & Quản lý Tài sản”, mới đây, ông Từ Tiến Phát – Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, đã thẳng thắn chỉ ra hai rào cản lớn khiến Private Banking (ngân hàng tư nhân) tại Việt Nam chưa hấp dẫn người giàu.
Thứ nhất, thiếu sản phẩm đầu tư chuyên biệt. “Người giàu và siêu giàu ở Việt Nam có trình độ hiểu biết và kinh nghiệm đầu tư vượt trội. Nếu ngân hàng chỉ tư vấn những sản phẩm cơ bản như bất động sản hay chứng chỉ quỹ, họ sẽ thấy không hấp dẫn. Với giới thượng lưu, nếu không có sản phẩm vượt trội, họ sẽ không dùng dịch vụ”, ông Phát nói.
Thứ hai, nguồn nhân lực trong ngành quản lý tài sản còn yếu về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến các ngân hàng chỉ có thể cung cấp dịch vụ ở mức tiêu chuẩn, chưa cá thể hóa – một yêu cầu quan trọng của khách hàng siêu giàu.
![]() |
Tương lai gần sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ các chính sách mới trong đầu tư tài sản số và vàng. |
Một lý do cốt lõi khiến dịch vụ quản lý tài sản ở Việt Nam chưa thể bật lên là khung pháp lý chưa cho phép cá nhân đầu tư ra nước ngoài hay đầu tư ngoại hối, khiến ngân hàng không thể thiết kế các sản phẩm đầu tư toàn diện, xuyên biên giới.
“Chính phủ chưa cho phép đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại hối, nên ngân hàng không thể xây dựng các sản phẩm phù hợp. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn khiến Private Banking ở Việt Nam chưa phát triển đúng tầm”, ông Phát lý giải.
Theo Tổng Giám đốc ACB, tương lai gần sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ các chính sách mới trong đầu tư tài sản số và vàng.
“Với những cơ chế mới đang được nghiên cứu cho crypto và vàng, tôi tin rằng, trong một đến hai năm tới, mảng đầu tư này sẽ bùng nổ. Đây có thể là bước ngoặt lớn cho dịch vụ quản lý tài sản ở Việt Nam”, ông Phát nhận định.
Không chỉ ông Phát, nhiều chuyên gia cũng dự đoán tài sản số sẽ trở thành xu hướng đầu tư mới của giới nhà giàu Việt Nam. Trong đó, việc Chính phủ đang xem xét thí điểm vận hành sàn giao dịch tiền ảo là một tín hiệu tích cực thúc đẩy thị trường.
Một báo cáo của McKinsey từng dự báo rằng, đến năm 2027, Việt Nam có thể trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá 600 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 11%/năm từ nền tảng 360 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên, ông Phát cho rằng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp giàu có và xu hướng đầu tư vào tài sản số – tài sản xuyên biên giới, thị trường này có thể chạm mốc 600 tỷ USD sớm hơn dự báo.
Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Anh Viễn Phương – Giám đốc Khối Khách hàng ưu tiên, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho rằng mô hình Family Office (Văn phòng quản lý tài sản gia đình), sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, bởi nhu cầu quản lý tổng thể tài sản gia đình, thừa kế và đầu tư đa quốc gia đang hình thành rất nhanh ở Việt Nam.
“Ở Singapore, Standard Chartered đã có 2.000 khách hàng Family Office; ở Hong Kong là 3.000. Với Việt Nam, nhu cầu này đã bắt đầu. Những khách hàng có tài sản trên 5 triệu USD thường sẽ chuyển từ quản lý cá nhân sang quản lý tài sản gia đình”, bà Phương cho hay.
Đồng thời, bà cũng nhấn mạnh: Family Office không chỉ là quản lý tiền, mà là quản lý toàn bộ tài sản, di sản và thậm chí là quỹ từ thiện, kế hoạch thừa kế. Điều này đòi hỏi nhân sự tài chính phải có kiến thức sâu, mối quan hệ toàn cầu và khả năng tối ưu thuế, bảo vệ tài sản xuyên biên giới.