Ngày 9/7, Sở Y tế TP. HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành y tế thành phố.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Hội nghị là định hướng phát triển hệ thống y tế cơ sở trong bối cảnh thành phố vừa trải qua cuộc sắp xếp hành chính lớn nhất từ trước đến nay.
Sau sáp nhập, quy mô dân số của TP. HCM sẽ tăng vọt lên gần 13,7 triệu người, từ 9,9 triệu người trước đây. Điều này đặt ra thách thức rất lớn cho ngành y tế thành phố là trong khi số lượng bệnh viện tăng từ 134 lên 164, thì tỉ lệ giường bệnh trên vạn dân lại giảm mạnh, từ 42 giường còn 35 giường/vạn dân.
Trước thực trạng này, bác sĩ CKII Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM - cho rằng cần sự đầu tư lớn vào hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho lượng dân cư tăng cao.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Theo bác sĩ Nam, hiện TP. HCM có 168 trạm y tế và 296 điểm trạm. Dựa trên hướng dẫn mới từ Bộ Y tế, sẽ có 125 trạm đạt chuẩn diện tích trên 500m², được thiết kế như “bệnh viện mini” với đầy đủ khoa phòng, đủ năng lực tiếp nhận, khám sàng lọc và theo dõi sức khỏe ban đầu cho người dân. Người dân chỉ phải lên tuyến chuyên sâu khi thực sự cần thiết.
“Cần biến trạm y tế thực sự trở thành nơi gần dân nhất, dân tin nhất, 168 trạm y tế sẽ trở thành cửa ngõ chăm sóc sức khỏe cho người dân”, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho hay.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, sau hợp nhất, ngành y tế thành phố đang xây dựng mô hình “đô thị đặc biệt” - một trung tâm y tế, khoa học và đổi mới sáng tạo tầm quốc gia.
Trong đó, trạm y tế sẽ được nâng cấp về cơ sở vật chất lẫn năng lực chuyên môn, mở rộng phạm vi dịch vụ chăm sóc ban đầu và quản lý sức khỏe định kỳ.
"Không chỉ chuẩn hóa chất lượng đầu ra của trạm y tế, mà trạm phải thực sự trở thành một nơi gần dân nhất và dân tin nhất để thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe toàn diện, thực hiện sứ mệnh khám chữa bệnh ban đầu, phân loại và theo dõi sức khỏe định kỳ của người dân. Và đặc biệt là làm sao người dân qua tuyến này rồi mới lên các tuyến chuyên sâu khác", ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.