Đầu năm 2025, Trung Quốc gây chấn động ngành khoáng sản thế giới khi công bố phát hiện một mỏ lithium loại spodumene quy mô lớn, trải dài 2.800 km qua khu vực Tây Côn Lôn – Tùng Phán – Cán Tử thuộc Tây Tạng.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, trữ lượng lithium ước tính lên đến hàng triệu tấn, được xem là cú hích chiến lược giúp Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai toàn cầu về tài nguyên lithium, chỉ sau Chile và vượt qua cả Úc.

Thông tin từ Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (CGS) cho biết, phát hiện này có ý nghĩa quan trọng với ngành công nghiệp pin và xe điện – lĩnh vực mà Trung Quốc đang nắm giữ vai trò dẫn đầu toàn cầu. Theo nhà phân tích Nicholas Larter (IBISWorld), đây là bước tiến lớn góp phần hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2060 của quốc gia này.

"Vàng trắng" và quá trình khai thác khắt khe

Spodumene là khoáng vật giàu lithium thuộc nhóm pyroxene, chứa khoảng 8% oxit lithium (Li₂O) – tỷ lệ cao trong ngành khai thác khoáng sản.

Sau khi nghiền, spodumene phải được nung ở khoảng 1.000°C để chuyển sang dạng dễ chiết xuất, sau đó tiếp tục trải qua quá trình xử lý hóa học để thu về lithium carbonate hoặc lithium hydroxide – nguyên liệu chủ chốt sản xuất pin.

'Vành đai kho báu mới' trải dài 2.500km, nung lên 1.000 độ ‘vàng trắng’ sẽ xuất hiện: Giúp giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch

Trước phát hiện mới, Trung Quốc đứng thứ 6 thế giới về trữ lượng lithium; Úc xếp thứ 2. Ảnh: ABC News/Tristan Hooft

Hiên nay, Trung Quốc đang kiểm soát hơn 70% công suất tinh chế lithium toàn cầu và chiếm hơn 60% thị phần xe điện trên thế giới. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nội địa với nguyên tố này sẽ tăng gấp đôi – một phần lý do khiến lithium được mệnh danh là “vàng trắng” trong cuộc đua chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trái ngọt từ những nỗ lực dài hạn

Theo ông Vương Đăng Hồng – nhà khoa học cấp cao của CGS, Trung Quốc đã đẩy mạnh công tác khảo sát lithium từ năm 2021. Nhờ đó, hơn 30 triệu tấn quặng lithium đã được phát hiện tại các khu vực trọng điểm như Tứ Xuyên, Giang Tây, Thanh Hải, Tân Cương, Nội Mông và Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ.

Phát hiện năm 2025 tại vành đai Tây Côn Lôn tiếp tục bổ sung nguồn cung chiến lược, giúp Trung Quốc củng cố vị thế là trung tâm sản xuất và tinh luyện lithium của thế giới. Đây cũng là nơi đặt trụ sở của hàng loạt "ông lớn" ngành pin như CATL, BYD, Gotion, EVE Energy hay A123 – các doanh nghiệp đang cung ứng sản phẩm cho thị trường toàn cầu.

Dự báo của McKinsey cho thấy nhu cầu lithium toàn cầu có thể đạt hơn 3 triệu tấn vào năm 2030, trong đó Trung Quốc sẽ là thị trường tiêu thụ chủ đạo.

Phát hiện mới không chỉ góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, mà còn giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các công nghệ xanh trong tương lai – từ xe điện, lưu trữ năng lượng cho đến y học và năng lượng hạt nhân.