Hãng nghiên cứu thị trường Modor Intelligence vừa dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 15% trong giai đoạn 5 năm tới.

Modor Intelligence dự báo tăng trưởng doanh thu và khối lượng bán hàng của các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng 35% trong năm nay.

Viettel Post (VTP) sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử
Nguồn: KBSV

Điều này được kỳ vọng sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển phát, đặc biệt là Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post, HoSE: VTP), 1 trong 3 công ty đầu ngành chuyển phát tại Việt Nam.

Năm 2024, VTP định hướng thu hẹp mảng bán hàng, giảm doanh thu mảng bán sim thẻ xuống còn hơn 4.000 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp tập trung toàn bộ nguồn lực đẩy mạnh đầu tư phát triển hoạt động chuyển phát và logistics.

Thị phần chuyển phát dự kiến sẽ tăng từ 18,5% (mức thị phần ghi nhận đầu năm) lên 19,5% vào cuối năm nay đến từ:

(1) Chất lượng dịch vụ cải thiện nhờ rút ngắn thời gian toàn trình cũng như việc VTP chuyển từ lao động thuê ngoài đối tác sang hợp đồng lao động.

(2) Định vị lại chiến lược kinh doanh với khách hàng mục tiêu chính là B2B. VTP thời gian qua đã thắng thầu cung ứng dịch vụ kho vận, chuỗi cung ứng cho loạt đối tác lớn Unilever, Abbott, Guardian. Việc phạm vi hoạt động của VTP dần chuyển từ last mile delivery (giao hàng chặng cuối) sang supply chain (cung cấp chuỗi cung ứng) sẽ cải thiện đáng kể biên lợi nhuận cho doanh nghiệp, là động lực tăng trưởng trong dài hạn của VTP.

Bên cạnh đó, VTP đang lên kế hoạch quy hoạch và xây dựng hạ tầng logistics cấp quốc gia một cách đồng bộ, bao gồm các trung tâm logistics, kho ngoại quan, cảng cạn nhằm kết nối các khu nuôi trồng, KCN với các hub giao thông đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển và cửa khẩu để hàng hóa có thể lưu thông với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất. Với lợi thế nguồn lực lớn từ Tập đoàn Viettel, hệ thống hạ tầng logistics này sẽ đảm bảo tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn cho VTP.

VTP vừa qua đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP. Nam Ninh và TP. Bằng Tường tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để thành lập văn phòng đại diện, xây dựng trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc – ASEAN và 2 trung tâm logistics tại các thành phố này.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị khai thác 12 đoàn tàu vận chuyển Bắc – Nam, triển khai dịch vụ vận tải tàu và ô tô liên vận, kết nối hàng hóa Việt Nam và các nước ASEAN vào nội địa Trung Quốc và ngược lại.

Việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics và vận tải liên vận xuyên biên giới sẽ giảm được 1/2 thời gian thời gian kết nối giữa TP. Nam Ninh và Hà Nội (giảm còn 12 tiếng), tiết kiệm 30% chi phí logistics, thúc đẩy giao thương đặc biệt là mặt hàng nông, thủy sản với Trung Quốc, đặt nền móng đầu tiên cho quá trình xây dựng và khai thác mạng lưới chuyển phát tại nước ngoài của VTP trong tương lai.