Ngày 17/3, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã VIC) đã ký thỏa thuận bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI – đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado, cổ đông lớn của CTCP Vincom Retail (mã VRE). Giao dịch dự kiến sẽ thực hiện từ tháng 3/2024 đến quý III/2024. Sau khi giao dịch này hoàn tất, công ty SDI, công ty Sado và Vincom Retail không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

CTCP Kinh doanh thương mại Sado đang là cổ đông lớn nhất của Vincom Retail khi sở hữu 943,2 triệu cổ phiếu VRE, tương đương 40,5% vốn điều lệ và 41,51% quyền biểu quyết của công ty này. Còn Vingroup đang trực tiếp nắm giữ hơn 18% vốn của Vincom Retail.

Vincom Retail hiện là doanh nghiệp cho thuê mặt bằng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu 83 trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn bán lẻ vượt 1,75 triệu m2 (tính đến tháng 1/2024).

Vincom Retail sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng ra sao sau khi rời Vingroup?
Mạng lưới TTTM của Vincom Retail

Vincom Retail vận hành danh mục các trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại đa dạng, được thiết kế để đáp ứng nhu cầu cụ thể của các nhóm đối tượng khách hàng ở các phân khúc khác nhau.

Trong đó, Vincom Centers nằm ở khu vực trung tâm thành phố và các quận nội thành tại Hà Nội và TP. HCM, khách thuê thường là các thương hiệu cao cấp.

Mô hình Vincom Mega Malls được đặt ở các khu vực đông dân cư, với khách thuê là các thương hiệu từ phân khúc cao cấp đến phổ thông.

Mô hình Vincom Plaza ở các khu vực ngoại thành của Hà Nội và TP. HCM, hoặc các khu vực đông dân cư tại các tỉnh và thành phố, các nhãn hàng thuê chủ yếu là các thương hiệu phân khúc phổ thông.

Cuối cùng là mô hình Vincom+ nằm ở các khu vực có mật độ dân số trung bình hoặc không phải là khu vực trung tâm của các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP. HCM, khách thuê là các nhãn hàng phân khúc phổ thông.

Năm 2024, Vincom Retail đặt kế hoạch mở thêm 6 trung tâm thương mại, hầu hết trong số đó được đặt tại các khu dân cư đô thị do CTCP Vinhomes (thuộc Vingroup, mã VHM) phát triển.

Vincom Retail sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng ra sao sau khi rời Vingroup?
Vincom Retail sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng ra sao sau khi rời Vingroup?
Vincom Retail đặt kế hoạch mở thêm 6 TTTM

Mới đây, CTCP Chứng khoán VNDIRECT (mã VND) đã có báo cáo phân tích về tình hình kế hoạch mở rộng của Vincom Retail trong giai đoạn 2024-2025. Các chuyên gia VNDIRECT nhận định Vincom Retail có tiềm lực tài chính mạnh mẽ để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch mở rộng.

Tổng nợ vay tại thời điểm cuối năm 2023 của Vincom Retail đạt 3.935,6 tỷ đồng, tăng 23,5% so với đầu năm, trong đó nợ vay dài hạn chiếm 99,5% ở mức 3.915,7 tỷ đồng. Đồng thời, Vincom Retail vẫn đang sở hữu bảng cân đối lành mạnh với tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp: Tỷ lệ nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2023 là -0,03 lần (+0,08 lần trong năm), VRE đã duy trì vị thế tiền mặt và tương đương tiền cao hơn tổng nợ vay trong vòng 3 năm qua. Tỷ lệ bao phủ lãi vay trong năm 2023 đạt 17,7 lần, tăng 6,9 lần so với năm trước.

Vincom Retail sẽ thực hiện kế hoạch mở rộng ra sao sau khi rời Vingroup?
Vincom Retail duy trì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp và khả năng thanh toán lãi vay cao

So với một số nhà phát triển bất động sản bán lẻ đầu ngành khác trong khu vực, Vincom Retail đang là doanh nghiệp có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy thấp và khả năng thanh toán lãi vay vượt trội hơn.

“Kế hoạch mở rộng sẽ tiếp tục đòi hỏi nhiều nguồn vốn trong những năm tiếp theo, có thể dẫn đến việc tăng nợ, tuy nhiên, dựa trên tình hình tài chính lành mạnh và lịch sử quản lý thận trọng của doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng Vincom Retail sẽ không gặp khó khăn trong việc hoàn thành các nghĩa vụ nợ”, các chuyên gia VND đánh giá.

Theo VNDIRECT, việc mở rộng trung tâm thương mại của Vincom Retail gắn với các khu dân cư đô thị do Vinhomes phát triển là phù hợp với xu hướng. Trong dài hạn, dự báo các nhà bán lẻ sẽ đòi hỏi không gian thuê ở "vị trí đắc địa ở khu vực ngoại thành", thị trường bất động sản nhà ở phát triển ra ngoài khu vực trung tâm.

Các chuyên gia phân tích tin rằng thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi ba yếu tố. Thứ nhất, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các thương hiệu thời trang cao cấp và ẩm thực quốc tế.

Thứ hai, xu hướng "mua sắm kết hợp giải trí” và cuối cùng quá trình đô thị hóa, mở rộng phát triển bất động sản nhà ở ra ngoài khu vực trung tâm.

Thứ ba, tiêu dùng phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại các trung tâm thương mại hiện hữu.

“Chúng tôi tin rằng sự phục hồi của hoạt động tiêu dùng trong giai đoạn 2024-2025 sẽ trực tiếp làm tăng lượng khách đến các trung tâm thương mại của Vincom Retail, qua đó hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các khách thuê hiện tại”, báo cáo từ VNDIRECT nêu triển vọng.