Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 11,9% so với cùng kỳ, tăng 10,3% so với tháng trước, lên mức 26,1 tỷ USD.

Nguyên nhân chủ yếu do mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái khi nhiều nhà máy đóng cửa nghỉ Tết từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm vẫn giảm 10% xuống còn 49,6 tỷ USD do đơn đặt hàng đã giảm mạnh trong vài tháng qua trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm.

Về phía nhập khẩu, giá trị nhập khẩu giảm 7,9% so với cùng kỳ, tăng 1,3% so với tháng trước xuống còn 23,3 tỷ USD trong tháng 2/2023.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị nhập khẩu tiếp tục giảm trong bối cảnh các hoạt động sản xuất mới bắt đầu phục hồi nhẹ trong tháng 2 và các doanh nghiệp vẫn còn đủ nguyên vật liệu tồn kho để đáp ứng các đơn hàng.

Trong 2 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu giảm 16,7% so với cùng kỳ xuống còn 46,2 tỷ USD. Về cán cân thương mại, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 3,4 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 0,3 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2022.

Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu và giá trị nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất giảm trong những tháng gần đây, chúng tôi duy trì dự báo xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 5% svck trong năm 2023, thấp hơn mức trung bình 15% svck của giai đoạn 2021-2022.

Tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023 có thể cao hơn do mức nền thấp của nửa cuối năm 2022 và tác động đến từ nhu cầu của Trung Quốc có thể phục hồi mạnh mẽ kể từ giữa năm 2023 nhờ hiệu ứng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Theo báo cáo, trong 2 tháng đầu năm 2023, đứng đầu về giá trị xuất khẩu là mặt hàng điện thoại và các loại linh kiện - đạt gần 8 tỷ USD, xếp thứ 2 là mặt hàng dệt may và da dày với kim ngạch hơn 5 tỷ USD. Có 2 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu dưới 1 tỷ USD là hàng thủy sản và máy móc, thiết bị.