Theo số liệu từ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt 487,1 triệu USD, tăng 3,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Việt Nam cấp mới 86 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký lên tới 357,7 triệu USD (gấp 3 lần). Cùng với 18 lượt điều chỉnh vốn tăng thêm 129,4 triệu USD (gấp 7 lần cùng kỳ).
Trước đây, các dòng vốn ra nước ngoài chủ yếu tập trung vào thị trường gần và quen thuộc như Lào, Campuchia, hay Myanmar, thì xu hướng đang có sự thay đổi rõ rệt. Trong danh sách 30 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn từ Việt Nam nửa đầu năm, 5 quốc gia đứng đầu là Lào, Philippines, Indonesia, Đức và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, Đức và Mỹ là hai nền kinh tế lớn của thế giới, lọt top điểm đến của vốn Việt. Cụ thể, Đức nhận 50,6 triệu USD (chiếm 10,4%), trong khi Mỹ nhận 30,2 triệu USD (chiếm 6,2%). Đây được xem là bước chuyển hướng đáng chú ý, bởi đầu tư ra các thị trường khó tính, phát triển cao đòi hỏi năng lực cạnh tranh và chuẩn quốc tế khắt khe hơn.
![]() |
(Ảnh minh họa) Đức và Mỹ lọt top điểm đến của vốn Việt. |
So với cùng kỳ năm 2024, bản đồ đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đã có sự xáo trộn lớn. Năm ngoái, Hà Lan là điểm đến hàng đầu, với 54,6 triệu USD (chiếm 39,8%), Hoa Kỳ đứng thứ ba (18,7 triệu USD, chiếm 13,6%) và New Zealand ở vị trí thứ 5 (5,9 triệu USD, chiếm 4,3%).
Năm nay, thứ hạng thay đổi hoàn toàn. Lào, Philippines và Indonesia vươn lên nhóm dẫn đầu, cho thấy sự linh hoạt trong lựa chọn thị trường, đi kèm là sự tăng tốc bất ngờ vào phương Tây – vốn từng là nơi đầu tư dè dặt hơn.
Xét theo lĩnh vực, các ngành được nhà đầu tư Việt Nam ưu tiên rót vốn bao gồm sản xuất và phân phối điện, khí đốt, điều hòa với 111,2 triệu USD (chiếm 22,8%), vận tải và kho bãi với 78,5 triệu USD (chiếm 16,1%) và bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 76,8 triệu USD (chiếm 15,8%).