Gần đây, giá thanh long ruột đỏ tại các chợ Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ còn khoảng 3 nhân dân tệ/kg (tương đương 0,42 USD/kg), mức thấp hơn một nửa so với giá trung bình khoảng 6 nhân dân tệ/kg (0,84 USD) trước đó.
Trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng thanh long ruột đỏ tại Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, vượt ngưỡng 53.000 ha với sản lượng hàng năm hơn 1,6 triệu tấn, vượt qua Việt Nam. Mô hình canh tác dưới nhà kính, kết hợp công nghệ chiếu sáng nhân tạo, cho phép cây thanh long đạt năng suất từ 45.000 đến 60.000 kg/ha, thậm chí ở một số nơi còn vượt trên 75.000 kg/ha. Quá trình sinh trưởng chỉ mất khoảng 12–14 tháng từ khi trồng đến khi cho quả và tiếp tục cho thu hoạch định kỳ sau mỗi 40 ngày khiến sản lượng tăng lên theo chu kỳ liên tục.
![]() |
Sản lượng tăng nhưng giá thanh long lại giảm sâu tại Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Việc đưa hệ thống chiếu sáng bổ sung vào canh tác thanh long giúp mở rộng mùa vụ, rút ngắn thời gian ra hoa và quả, đồng nghĩa với việc trái có thể thu sớm khoảng 20 ngày so với bình thường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống đèn, thiết bị, điện năng và bảo trì không hề nhỏ.
Một số nhà vườn cho biết, trước kia họ kỳ vọng giá sẽ cao trong vụ đông–xuân nhờ khả năng tạo ra “trái trái mùa”, nhưng hiện tại do kinh phí đầu tư lớn cùng sự bão hòa của thị trường, lợi nhuận đã bị triệt tiêu đáng kể.
Tại chợ đầu mối Jinan, tỉnh Sơn Đông – một trong những phiên chợ lớn và có ảnh hưởng cao tại vùng Đông Trung Quốc – giá thanh long loại nhỏ hiện chỉ dao động từ dưới 1 đến 2 nhân dân tệ/kg (0,14–0,28 USD), tuỳ kích cỡ. Một thùng 16,5 kg hiện có giá khoảng 50 nhân dân tệ (khoảng 7 USD), giảm mạnh so với mức đỉnh 180 nhân dân tệ (25 USD) hồi mùa đông năm ngoái.
![]() |
Thanh long ruột đỏ tại xứ tỷ dân đang trong tình trạng cung vượt cầu. Ảnh minh họa |
Diện tích canh tác rộng khắp đã tạo ra tình trạng cung vượt cầu. Mặc dù thanh long là loại cây có chu kỳ sinh trưởng nhanh, dễ nhân rộng, giá bán trên thị trường đang bị áp lực xuống thấp. Các vùng chuyên trồng lớn như Quảng Đông và Quảng Tây tận dụng nền tảng logistics và quy mô đồn điền để xuất khẩu trái mùa, còn Vân Nam tận dụng điều kiện khí hậu tạo ra trái lớn, màu sắc rực rỡ hơn. Riêng Hải Nam lại chịu chi phí đầu vào cao hơn khoảng 30% so với đất liền, khiến độ cạnh tranh giảm đi đáng kể.
Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa không tăng đồng nghĩa với lượng tiêu thụ phần lớn vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Khi nguồn cung ngoài dự kiến lớn mà cầu không đẩy, giá bị đẩy xuống thấp. Xu hướng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện do việc mở rộng diện tích chưa đi kèm chiến lược điều tiết sản lượng hợp lý.
Việc trồng đại trà cùng ứng dụng công nghệ khiến người trồng thanh long bước vào giai đoạn “ôm rủi ro” lớn. Chi phí đầu tư như nhà kính, đèn điện, chăm sóc chuyên sâu dễ khiến nông dân mất cân bằng chi phí – doanh thu. Nhiều hộ nông dân đã bắt đầu cảm thấy không thể bù đắp được vốn đầu tư nếu tiếp tục duy trì sản xuất quy mô lớn.