Một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào đêm 29/3/2025 tại tuyến cao tốc Đức Châu - Thượng Nhiêu (tỉnh An Huy, Trung Quốc) đã cướp đi sinh mạng của ba nữ sinh viên đại học. Đây cũng là vụ tai nạn chết người đầu tiên được ghi nhận liên quan đến mẫu xe điện Xiaomi SU7 – chiếc sedan từng được ca ngợi với hàng loạt tính năng an toàn kể từ khi ra mắt vào tháng 3/2024.
Xe đâm vào rào chắn công trường khi đang bật chế độ lái tự động
Khoảng 22h44 phút, chiếc SU7 phiên bản tiêu chuẩn đang di chuyển ở tốc độ 116 km/h, trong chế độ hỗ trợ lái thông minh NOA (Navigation on Autopilot). Khi xe đến gần khu vực thi công có rào chắn, hệ thống đã phát hiện vật cản, phát tín hiệu cảnh báo và bắt đầu giảm tốc. Tuy nhiên, theo dữ liệu do Xiaomi cung cấp, người điều khiển đã can thiệp bằng tay, tiếp tục phanh và điều khiển vô lăng, nhưng cuối cùng vẫn va chạm mạnh với cột bê tông ở tốc độ khoảng 97 km/h.
Cú va chạm khiến phần đầu xe hư hỏng nặng, dẫn đến cháy sau đó. Nhiều người dùng mạng xã hội Trung Quốc cho biết lửa lan nhanh và hành khách không thể thoát ra ngoài do “không mở được cửa”, làm dấy lên lo ngại về thiết kế an toàn của dòng xe này.
![]() |
Cú va chạm khiến phần đầu xe hư hỏng nặng, dẫn đến cháy sau đó |
Xiaomi lên tiếng sau làn sóng chỉ trích
Ngay sau khi vụ việc gây xôn xao dư luận, đặc biệt trong bối cảnh mẫu xe SU7 được xem là “át chủ bài” của Xiaomi trên thị trường ô tô điện, hãng đã công bố bản báo cáo chi tiết vào ngày 1/4. Tài liệu này được xây dựng dựa trên dữ liệu vận hành do chính xe gửi về máy chủ và được cung cấp cho cơ quan điều tra.
Xiaomi cũng cho biết hệ thống phản ứng khẩn cấp đã được kích hoạt ngay sau vụ va chạm. Hãng lập tức liên hệ với chủ xe – người xác nhận lúc đó không trực tiếp cầm lái. Xiaomi sau đó gọi điện cho các hành khách trên xe và thông báo cho lực lượng cứu hộ. Đội cứu hỏa và cấp cứu đã có mặt tại hiện trường vào khoảng 23h.
![]() |
Xe điện Xiaomi SU7 sau khi tai nạn. Ảnh: Internet |
Cửa không thể mở – hiểu lầm hay lỗi thiết kế?
Trước nghi vấn "cửa bị kẹt khiến nạn nhân không thể thoát thân", đại diện Xiaomi trả lời phỏng vấn China News Weekly rằng cả bốn cửa xe đều được trang bị tay nắm cơ học dùng trong tình huống khẩn cấp. Các tay nắm này nằm ở khu vực chứa đồ bên trong cánh cửa, hoạt động hoàn toàn bằng cơ và vẫn có thể mở được kể cả khi hệ thống điện hoặc pin bị hư hại.
Tuy vậy, thông tin này vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi lo ngại ngày càng gia tăng từ phía công chúng. Vụ tai nạn không chỉ đặt dấu hỏi lớn cho hệ thống lái tự động NOA của Xiaomi, mà còn thách thức mức độ an toàn thực tế của những chiếc xe điện vốn đang được quảng bá rầm rộ.
Góc tối của công nghệ tự hành?
Dù hệ thống hỗ trợ lái thông minh được thiết kế để nâng cao trải nghiệm và an toàn, nhưng vụ tai nạn lần này một lần nữa cho thấy ranh giới mong manh giữa sự tiện lợi và rủi ro. Chỉ một giây chậm trễ trong phản ứng, dù là từ con người hay hệ thống, cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trong bối cảnh Xiaomi đang tham vọng chen chân vào thị trường ô tô điện toàn cầu, vụ việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu cũng như niềm tin của người tiêu dùng vào các công nghệ tự hành.
Theo carnewschina