Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thị trường thuỷ sản tháng 3 diễn ra sự kiện nổi bật là Hội chợ Thuỷ sản Quốc tế Bắc Mỹ, diễn ra từ ngày 12 - 14/3/2023 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới trong đó có 17 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Theo VASEP, năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia hội chợ này tăng mạnh, nhất là ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Nhiều đối tác truyền thống và các nhà nhập khẩu mới đến hội chợ với mong muốn tìm kiếm các sản phẩm mới của Việt Nam.

Do vậy, Hội chợ Bắc Mỹ năm nay kỳ vọng sẽ thúc đẩy giao thương thủy sản Việt Nam với Mỹ và các các nước nhập khẩu khác hồi phục từ sau quý 1.

Xuất khẩu sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm sâu trong 2 tháng đầu năm nay. Đến nay, Mỹ chỉ còn chiếm 14,5% tổng xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu số 1.

Dù lạm phát hạ nhiệt, giá xăng giảm, nhưng các chi phí sản xuất và giá các sản phẩm thiết thực của Mỹ vẫn cao. Người dân Mỹ vẫn phải thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này, và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn.

Do vậy, giá trung bình nhập khẩu thủy sản của Mỹ trong tháng đầu năm đã giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng nằm trong các nước bị giảm xuất khẩu sang Mỹ vì giá trung bình giảm với mức tương đương.

Tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tôm chiếm 37%, cá ngừ chiếm 23%, cá tra chiếm 17% và các mặt hàng cá biển khác chiếm 15%.

Trong bối cảnh lạm phát, nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của Mỹ sẽ tăng tỷ trọng đối với phân khúc hàng đông lạnh và giảm nhiều hơn ở phân khúc hàng chế biến GTGT, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm so với năm trước, do vậy sẽ khó có sự bứt phá mạnh mẽ trong những tháng tới.

Ngoài thị trường Mỹ, trong kịch bản xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023, Trung Quốc được coi là động lực thúc đẩy, sau khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn chính sách zero Covid.

Tuy nhiên, Trung Quốc như một miếng bánh lớn đang bị chia sẻ bởi nhiều nước xuất khẩu, tạo ra sức ép cạnh tranh quá lớn. Đối với Việt Nam, có 2 đối thủ lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ, đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Không chỉ tôm, đối với các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc... Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và các thương gia thủy sản từ các nước.Xuất khẩu thủy sản quý I2023  góc nhìn từ thị trường Mỹ và Trung Quốc

Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt gần 151 triệu USD, giảm 11% so với cùng kỳ, chủ yếu vì giảm trong tháng 1. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong tháng 2 có tín hiệu tốt với mức tăng 25%, trong đó xuất khẩu rất nhiều loài cá biển tăng mạnh.

Ngoài sản phẩm chủ lực và có thế mạnh như cá tra, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác thế mạnh từ hàng thủy sản tươi/sống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho các phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch. Ví dụ: tôm sú, tôm hùm, cá biển, cua, hàu, sò điệp... tươi/sống. Ngoài ra, có thể tiếp cận và khai thác thị trường Trung Quốc từ góc độ địa phương. Có những địa phương tại Trung Quốc có đặc thù và thói quen tiêu thụ tương tự như Việt Nam, ưa chuộng hàng thủy sản Việt Nam hơn các nước khác. Như Quảng Tây đã nhập khẩu hơn 75% thủy sản từ Việt Nam, chỉ có 25% từ các nước khác.

Xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 đã có tín hiệu hồi phục so với tháng trước và kỳ vọng xu hướng thị trường sẽ khả quan hơn trong những tháng tới, theo đó xuất khẩu cũng sẽ hồi phục dần. Dự kiến xuất khẩu thủy sản trong quý 1 đạt khoảng 1,9 – 2 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.