Dù tiền gửi từ dân cư tăng trưởng rất mạnh trong quý 1 đầu năm lên tới 7,08%, nhưng do tiền gửi tổ chức giảm nên tổng thể tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 1,06%.

Theo đó, tỷ lệ dư nợ tín dụng toàn ngành kinh tế so với tổng tiền gửi khách hàng của toàn hệ thống vẫn đang ở mức hơn 102%, nếu tính luôn giấy tờ có giá vào huy động vốn thì tỷ lệ này cũng trên 93%.

Vì vậy, có lẽ không ít nhà băng đang phải tận dụng nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng để đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng/ huy động vốn tối đa 85% theo quy định.

Nhưng nếu lãi suất trên thị trường 2 tăng vọt trở lại vì một lý do gì đó, hoặc bị thắt chặt thanh khoản như đã từng xảy ra vào cuối năm ngoái, các ngân hàng buộc sẽ phải tăng cường huy động ở khu vực dân cư và tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất.

Tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng so với đầu năm đạt 3,04%, trong khi huy động vốn thấp hơn nhiều là 1,78%.

Cập nhật gần nhất đến cuối tháng 5 tăng trưởng tín dụng là 3,17%, dù số liệu huy động vốn không được công bố nhưng khả năng vẫn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều ngân hàng vẫn chưa có được sự cân đối giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng từ đầu năm đến nay.

Áp lực huy động vốn của ngân hàng sẽ quay trở cuối năm

Trong khi đó, từ cuối quý 2 đầu quý 3 này, lượng tiền gửi tiết kiệm ở khung lãi suất cao vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023 sẽ bước vào giai đoạn đáo hạn dần.

Với khung lãi suất của các ngân hàng đã được điều chỉnh giảm khá mạnh từ cuối quý 1 đến nay, lượng tiền này có thể tìm kiếm cơ hội ở những kênh đầu tư khác thay vì tiếp tục lại ở kênh tiết kiệm ngân hàng. Điều này sẽ đặt ra một thách thức đáng kể cho hoạt động huy động vốn của các nhà băng trong giai đoạn tới.

Cụ thể, nếu nhìn từ cuối tháng 9/2022 đến cuối tháng 3 đầu năm nay, là giai đoạn mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục tăng mạnh và duy trì ở mặt bằng cao, riêng số dư tiền gửi từ khu vực dân cư đã tăng ròng hơn 642.000 tỷ đồng, tương đương 10,2% tiền gửi của dân cư và xấp xỉ 5,4% tổng tiền gửi của hệ thống đến cuối tháng 3/2023.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà điều hành nếu không thể giảm thêm lãi suất, vẫn có thể tiếp tục bơm thêm thanh khoản tiền đồng vào nền kinh tế qua kênh mua ngoại tệ và thị trường mở, điều đã được thực hiện xuyên suốt trong những tháng gần đây.

Với lượng thanh khoản dồi dào cũng giúp giảm bớt áp lực lên hoạt động huy động vốn của các nhà băng và tiếp tục kiềm chế lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp như định hướng của Chính phủ.