Chiều 17/5, khi Quốc hội thảo luận tổ về sửa đổi hàng loạt đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Hải quan… thì một phát biểu ngắn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trí Thức lại khiến nghị trường "nóng" theo cách khác: 5 năm vẫn chưa lắp được mạng wifi trong Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nghe tưởng chuyện hài, nhưng là thực tế. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh viện có nhu cầu lắp đặt mạng wifi nội bộ để phục vụ công việc cho nhân viên y tế. Việc này lẽ ra đơn giản, nhưng do vướng cơ chế đấu thầu và quy trình xây dựng cấu hình kỹ thuật, mọi nỗ lực trong suốt 5 năm qua đều... đi vào bế tắc.
“Chỉ cần hơi lệch cấu hình là bị nghi ngờ chỉ định thầu, "quân xanh quân đỏ". Người thực hiện hoàn toàn vô tư, nhưng hệ thống lại không vô tư như thế”, ông Thức nói.
![]() |
Không chỉ có Chợ Rẫy. Theo Thứ trưởng Y tế, ngay cả những dự án bệnh án điện tử – nền tảng của chuyển đổi số ngành y tế cũng chỉ được triển khai thuận lợi ở một số đơn vị... vì thoát được quy trình đấu thầu.
Ông dẫn chứng: Bệnh viện Y Dược TPHCM hiện là đơn vị triển khai bệnh án điện tử thành công nhất, một phần là nhờ không phải thực hiện các thủ tục đấu thầu phức tạp như các cơ sở khác.
"Một hệ thống y tế không có wifi thì khó nói đến chuyển đổi số y tế. Một bệnh viện mất 5 năm để xin lắp wifi thì cũng khó nói đến hành chính công hiệu quả”, ông Thức nhấn mạnh.
Đây không chỉ là câu chuyện kỹ thuật hay thủ tục đấu thầu, mà là cảnh tỉnh về một nền quản trị công vẫn còn nặng tính nghi kỵ, máy móc, sợ trách nhiệm – nơi mà mọi sai khác kỹ thuật cũng có thể bị quy chụp thành sai phạm.
Câu chuyện không dừng lại ở ngành y. Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi góp ý sửa đổi Luật Đầu tư đã chỉ rõ: Nhiều thủ tục đang trùng lặp, không còn cần thiết, nhưng vẫn buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ.
Theo điều 41 của luật, mỗi lần doanh nghiệp thay đổi vốn đầu tư lại phải xin chấp thuận thay đổi. Ông Hiếu lấy ví dụ từ thực tế, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, dù đã xin cấp phép, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…, vẫn phải làm thêm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Việc này khiến tiến độ bị kéo dài, rủi ro pháp lý tăng cao, nhất là khi hết thời hạn đầu tư lại phải làm lại hồ sơ điều chỉnh từ đầu, rồi lại phát sinh việc không có căn cứ điều chỉnh. Như vậy rất rủi ro cho nhà đầu tư.
"Có tới 229 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tôi cho rằng hoàn toàn có thể cắt bỏ 30% danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vốn là rào cản lớn trong thu hút đầu tư tư nhân", ông đề xuất.
Ông nhấn mạnh: Chuyển đổi số không thể triển khai trong môi trường hành chính kiểu cũ- nơi mà mỗi sáng kiến đều phải “xin – cho”, và mỗi chi tiết kỹ thuật đều có thể bị xem như dấu hiệu tiêu cực.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 193, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 188 cho phép chỉ định thầu đối với các dự án phục vụ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, nhưng mới chỉ thí điểm trong 2 năm (2025–2026). Đây là bước đi đúng, nhưng chưa đủ rộng, chưa đủ dài và chưa đủ dứt khoát.
“Nếu không sửa luật mạnh tay, các cơ quan công sẽ tiếp tục đứng ngoài cuộc cách mạng số”, ông nhận định.