Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị vào sáng 18/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã báo cáo chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 66”.
Điểm lại các kết quả quan trọng của công tác xây dựng và thực thi pháp luật thời gian qua, góp phần tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
![]() |
|
Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, chưa chú trọng đúng mức đến thúc đẩy phát triển, chưa tạo động lực đổi mới sáng tạo.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, quy định chi tiết "được làm gì, không được làm gì", thiếu linh hoạt, không theo kịp sự phát triển.
Chất lượng xây dựng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Việc nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách, đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức, chưa thực chất. Việc tham vấn ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
"Có những luật ban hành 6 tháng phải sửa, có những luật ban hành một năm phải sửa 2 lần", ông Mẫn nói và nêu lên tình trạng quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu đồng bộ, không rõ ràng chưa được khắc phục triệt để, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu. Theo kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp tại 63 tỉnh, thành có tới 65% người dân và doanh nghiệp được hỏi cho rằng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, làm giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ nghị quyết 66 của Bộ Chính trị có 5 quan điểm chỉ đạo. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác thi hành pháp luật, xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Cùng với đó, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại.