Chia sẻ trong talkshow với chủ đề: "Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển", ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cho biết, nhiều doanh nhân đã “mất ngủ vì phấn khởi” sau khi Nghị quyết được ban hành. Những nhóm thảo luận trên mạng xã hội của cộng đồng doanh nghiệp sôi động hẳn lên, chia sẻ, lan tỏa và kỳ vọng vào một thời kỳ mới cởi trói cho tư nhân.

Đặc biệt, ông đánh giá cao một điểm then chốt: lần đầu tiên trong một nghị quyết của Đảng, quan điểm “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” được nêu rõ ràng và cụ thể. Theo ông, điều này gỡ bỏ nỗi e ngại lâu nay vốn khiến nhiều doanh nghiệp ngại làm, sợ sai.

Chủ tịch Bamboo Airways: Nghị quyết 68 không phải 'vé miễn phí', ai không tự lái sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Chủ tịch Bamboo Airways cho rằng, Nghị quyết 68 không chỉ đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế tư nhân mà còn tạo đột phá về tư duy pháp lý, giải tỏa tâm lý “bị hình sự hóa” vốn từng là rào cản vô hình đối với cộng đồng doanh nghiệp.

“Sai thì sửa", ông Tuệ nhận định, đồng thời lập luận đầy thuyết phục: nếu Edison bị đuổi học vì lỗi nhỏ, nhân loại đã không có những phát minh vĩ đại; doanh nghiệp cũng vậy, cần được trao cơ hội khắc phục sai sót thay vì bị xử lý hình sự ngay, nếu không sẽ mất đi cả tương lai của một nền kinh tế tư nhân đang khát khao bứt phá.

Tuy nhiên, ông Tuệ cũng nhấn mạnh một ranh giới không thể xóa nhòa giữa “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế” và “dung túng cho sai phạm” – điều mà cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ và rạch ròi.

“Không thể chấp nhận những trường hợp làm giả thuốc, bán thực phẩm bẩn rồi nói rằng sẽ khắc phục bằng tiền. Hậu quả về sức khỏe con người là không thể đảo ngược. Sai phạm kiểu đó không thể tha thứ”, ông Tuệ cho hay.

Muốn chạy xa, phải có xe mạnh và tài xế giỏi

Chính sách chỉ là điều kiện cần. Theo ông Tuệ, để chính sách đi vào cuộc sống, rất cần nâng cao năng lực thực thi. Ông đề xuất cần có cơ chế thưởng phạt rõ ràng cho cán bộ thực thi, tránh tình trạng "nhiệt tình sai luật" hay trì trệ, sợ trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vào việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chính phủ điện tử để đo đếm tiến trình triển khai chính sách ở mọi cấp, từ Trung ương đến xã, phường. Nhưng điểm mấu chốt nhất vẫn là nội lực của doanh nghiệp.

"Ngoài ra cũng phải nâng cao kiến thức quản trị, giống như kiểm soát tốc độ khi lái xe. Doanh nghiệp phải tự tin, chủ động, tự đầu tư để có chiếc xe tốt chạy trên cao tốc. Nếu không anh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông nhấn mạnh.

Nghị quyết 68-NQ/TW không chỉ mang lại kỳ vọng mà còn đặt ra thách thức cho cả hệ thống quản lý lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch Bamboo Airways cho rằng đây là bước ngoặt nếu được thực thi đến nơi đến chốn, nhưng cũng có thể trở thành một “chiếc cầu chưa nối” nếu thiếu quyết tâm và hành động cụ thể.

Trong bối cảnh Bamboo Airways đang có kế hoạch thanh toán hơn 200 triệu cổ phiếu cho đối tác chậm nhất vào năm 2026 và dự kiến có lãi ngay quý I/2025, phát biểu của ông Tuệ không chỉ thể hiện kỳ vọng chính sách, mà còn là lời khẳng định: doanh nghiệp sẵn sàng tái cấu trúc và bứt tốc nếu được trao cơ hội đúng lúc.