Theo báo cáo mới đây của nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, tổng giá trị giao dịch (GMV) của 4 sàn bán lẻ trực tuyến Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 202.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2025, tăng 41,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

TikTok Shop tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mức 69%, giúp thị phần vọt lên 39% từ mức 29% của nửa đầu 2024. Sự bứt phá này đã giúp TikTok Shop rút ngắn đáng kể khoảng cách với Shopee – nền tảng đang giữ vị trí dẫn đầu. Shopee ghi nhận mức tăng trưởng doanh số 16,12%, nhưng thị phần giảm còn 58%.

Tính chung, Shopee và TikTok Shop đang kiểm soát 97% thị phần thương mại điện tử đa ngành. Ngược lại, Lazada và Tiki chứng kiến doanh số sụt giảm lần lượt 48% và 63%, chỉ còn nắm giữ tổng cộng 3% thị phần.

Metric cho biết đà tăng trưởng mạnh mẽ của TikTok Shop tiếp tục phản ánh xu hướng tiêu dùng ưa chuộng các nền tảng giải trí kết hợp mua sắm (shoppertainment). Báo cáo của đơn vị này khuyến nghị các sàn thương mại điện tử cần điều chỉnh chiến lược, đẩy mạnh đầu tư vào nội dung và mô hình bán hàng tương tác trực tiếp.

Đại chiến sàn TMĐT: TikTok Shop thu hẹp thị phần với Shopee, Lazada bằng 'vũ khí' shoppertainment
Báo cáo doanh số các sàn TMĐT của Metric

Tại sự kiện TikTok Shop Vietnam Summit 2025, nền tảng này cũng xác nhận mô hình shoppertainment đang chứng minh hiệu quả rõ nét. Trong năm 2024, doanh thu từ tiếp thị liên kết tăng 2,3 lần, còn doanh thu từ các định dạng livestream và video ngắn tăng 1,9 lần so với năm trước.

Ngoài shoppertainment, Metric đánh giá các gian hàng chính hãng (shop mall) đang là động lực tăng trưởng quan trọng. Dù chỉ chiếm 3,4% tổng số cửa hàng trên Shopee và TikTok Shop, các shop mall lại đóng góp tới 28,7% tổng doanh số trong nửa đầu năm. So với cùng kỳ 2024, doanh số từ shop mall trên Shopee tăng 63%, còn TikTok Shop đạt mức tăng 107%.

Metric nhận định xu hướng này phản ánh tâm lý tiêu dùng ngày càng đề cao sự an tâm về chất lượng sản phẩm, giữa bối cảnh hàng giả, hàng nhái vẫn còn tràn lan.

Dự báo về quý III/2025, Metric kỳ vọng tổng giá trị giao dịch trên 4 sàn sẽ đạt 122.800 tỷ đồng, tăng 21,6% so với quý II. Các sự kiện mua sắm lớn như ngày đôi 8/8, 9/9, Tết Trung Thu và mùa tựu trường sẽ là động lực chính, đặc biệt ở nhóm ngành hàng giáo dục, quà tặng và thực phẩm.

Các sàn thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng cường đầu tư vào logistics và cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua các chương trình ưu đãi tập trung vào nhóm hàng thiết yếu, nhằm giữ ổn định sức mua trong quý III.

Tại một diễn đàn gần đây, ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết, nền tảng này cam kết đầu tư lâu dài vào thị trường Việt Nam, tập trung vào phát triển các công cụ hỗ trợ nhà bán hàng, nâng cao giải pháp bảo mật cho người dùng và triển khai các chương trình cộng đồng thiết thực cho ngành thương mại điện tử.

Ở chiều ngược lại, để gia tăng trải nghiệm khách hàng, Shopee và Lazada đã bước vào cuộc đua giao hàng miễn phí. Từ tháng 6, Shopee áp dụng chính sách miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng (trừ các đơn hàng quá cồng kềnh hoặc giao hỏa tốc). Lazada cũng không đứng ngoài cuộc, khi từ ngày 1/7 triển khai miễn phí giao hàng cho các đơn thuộc gian hàng chính hãng (LazMall) có trọng lượng dưới 15kg.