Sáng 9/5/2025, Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thương mại mặt hàng nông - lâm - thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị áp thuế đối ứng lên tới 46% từ Hoa Kỳ, đòi hỏi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải hành động quyết liệt để bảo vệ lợi ích xuất khẩu.

Thêm nhóm ngành chục tỷ USD được đặt lên bàn nghị sự

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,7%), lâm sản 5,56 tỷ USD (tăng 11,2%) và thủy sản 3,09 tỷ USD (tăng 13,7%).

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 20,5% tổng kim ngạch, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng khoảng 4,33 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025). Trung Quốc đứng thứ hai, chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 1,1%) và Nhật Bản chiếm 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 23,3%).

Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 15,97 tỷ USD, tăng 16,6%. Trong đó nhập khẩu nông sản đạt 10,17 tỷ USD (tăng 18,4%); sản phẩm chăn nuôi 1,39 tỷ USD (tăng 27,8%); thuỷ sản 1,02 tỷ USD (tăng 29%); lâm sản 943 triệu USD (tăng 20,2%)...

Áp lực từ các biện pháp thuế quan mới của Hoa Kỳ đang đặt ra thách thức lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc tăng cường nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ được xem là một trong những giải pháp nhằm cân bằng thương mại và duy trì mối quan hệ kinh tế ổn định giữa hai quốc gia.

Đàm phán thuế quan bước vào thời khắc quyết định: Bộ Công Thương đưa thêm một nhóm hàng tỷ USD lên bàn nghị sự
Mỹ đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Chiến lược hành động từ Chính phủ và doanh nghiệp

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ, không chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn nhằm thể hiện thiện chí trong đàm phán thương mại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề xuất các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng cần chủ động kết nối với đối tác Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng chia sẻ về các phương án đã được triển khai, bao gồm minh bạch hóa chuỗi cung ứng, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu ngành hàng dựa trên tính tuân thủ và phát triển bền vững. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Sau khi nghe các báo cáo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông lâm thuỷ sản của Việt Nam với số lượng lớn, đồng thời cũng là thị trường có tiềm năng xuất khẩu lớn các sản phẩm ngũ cốc, thịt, sữa, gỗ...

Trong bối cảnh đàm phán thuế quan đang ở thời điểm then chốt, việc mở rộng nhập khẩu nông sản từ Hoa Kỳ không chỉ là giải pháp ngắn hạn để cân bằng thương mại mà còn là chiến lược dài hạn nhằm xây dựng mối quan hệ kinh tế bền vững giữa hai quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội trong giai đoạn hiện nay.

Đàm phán thuế quan bước vào thời khắc quyết định: Bộ Công Thương đưa thêm một nhóm hàng tỷ USD lên bàn nghị sự
Ảnh: Bộ Công Thương

Trước đó, Việt Nam là một trong 6 nước được ưu tiên đàm phán thuế quan với Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có những phiên làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước, tiến tới ký kết các hợp đồng lớn.

Cùng với đó, Bộ Công thương cũng đã có thêm buổi họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lượng hàng lớn sang thị trường Mỹ như dệt may, da giày, điện tử, thép, nhôm, cơ khí... nhằm chuẩn bị tốt các phương án.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng cao, cộng đồng doanh nghiệp được khuyến nghị chuẩn bị phương án ứng phó, bao gồm tìm kiếm thị trường thay thế. Việt Nam hiện có 17 FTA với gần 70 nền kinh tế lớn – đây là dư địa quan trọng để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.