Chiều ngày 22/5/2025, ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM (HIDS) thông tin về đề án “Chuyển đổi xanh - TP. HCM mở rộng”, bao gồm chương trình chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện cho lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng.
Đề án do HIDS chủ trì, dự kiến sẽ hoàn thiện trong tháng 6. Đến tháng 7, sẽ tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia và trình UBND Thành phố. Cơ quan soạn thảo kỳ vọng hoàn tất mọi thủ tục trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ tháng 1/2026.
![]() |
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thông tin tới báo chí chiều 22/5 (Ảnh: VGP/Vũ Phong) |
Theo ước tính sơ bộ của HIDS, số lượng xe máy phục vụ dịch vụ vận chuyển hành khách và giao hàng trên địa bàn TP. HCM hiện khoảng 400.000 phương tiện. Về tính khả thi của chương trình, ông Hải cho biết đây là nhóm đối tượng phát thải cao tại TP. HCM. Do quãng đường di chuyển hằng ngày của tài xế khoảng trên dưới 100 km/ngày và tần suất hoạt động từ 8–12 tiếng, lượng phát thải là rất lớn.
“Muốn kiểm soát khí thải, chúng ta cần tập trung vào các đối tượng phát thải lớn như xe buýt và tài xế công nghệ. Giai đoạn 1, chúng ta tập trung chuyển đổi thành xe buýt điện và mô tô điện”. ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, chương trình này cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu hằng ngày cho tài xế. HIDS đã khảo sát hơn 400 tài xế vào năm 2023 trên 3 nền tảng Grab, Be và Gojek. Các tài xế chủ yếu sử dụng xe xăng và với quãng đường di chuyển khoảng 100 km/ngày, chi phí xăng khoảng 70.000–100.000 đồng/ngày.
Khi chuyển sang xe điện, khảo sát tài xế Xanh SM cho thấy, với quãng đường tương đương, chi phí điện chỉ khoảng 20.000 đồng/ngày. Sau khi trừ khấu hao pin và chi phí cơ hội do dừng xe để sạc, HIDS ước tính tài xế tiết kiệm được 40.000–60.000 đồng/ngày.
“Với thời gian làm việc khoảng 25 ngày/tháng, mỗi tháng tài xế có thể tiết kiệm trên 1 triệu đồng. Nếu dùng toàn bộ số tiền này để vay trả góp cho một chiếc xe máy điện, thì trong khoảng 24–30 tháng, tài xế có thể trả xong chiếc xe”, ông Hải phân tích, đồng thời khẳng định HIDS tin tưởng việc hỗ trợ chuyển đổi là khả thi.
HIDS cũng đã làm việc với một số ngân hàng để thiết kế các sản phẩm vay phù hợp, nội dung này sẽ được trình bày rõ trong dự thảo kế hoạch. Ngoài ra, HIDS đang phối hợp với các đơn vị sản xuất và kinh doanh xe điện hai bánh, các bên này cam kết sẽ có ưu đãi đặc biệt để đồng hành cùng thành phố trong quyết tâm chuyển đổi toàn bộ sang xe điện hai bánh.
“Chúng tôi đã kiến nghị Trung ương miễn lệ phí trước bạ cho xe mới đăng ký lần đầu trong 2 năm kể từ khi chính sách được ban hành; đồng thời đề xuất miễn thuế VAT cho tài xế công nghệ trong vòng 2 năm để thúc đẩy chuyển đổi và kiến nghị miễn thuế VAT cho mỗi đơn hàng của tài xế công nghệ”, ông Hải cho biết thêm.
Trước đó, vào ngày 17/5, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được đã làm việc với Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) để rà soát tiến độ triển khai các chương trình chuyển đổi xanh – lĩnh vực được xác định là ưu tiên chiến lược trong cuộc họp trước đó với Vingroup.
![]() |
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được tiếp tục làm việc với Tập đoàn Vingroup về chuyển đổi xanh - (Ảnh: Báo Tuổi trẻ) |
Hiện Viện Nghiên cứu Phát triển TP. HCM đang phối hợp với Tập đoàn Vingroup và Đại học VinUni triển khai 2 đề án trọng điểm. Trong đó, đề án “Chuyển đổi xanh – TP. HCM mở rộng” dự kiến sẽ hoàn thiện đề cương vào giữa tháng 6. Sau đó, các giải pháp chuyên đề và chương trình hành động sẽ được xây dựng và trình UBND TP. HCM phê duyệt trong quý IV/2025.
Song song đó, thành phố đang xúc tiến một số chương trình xanh khác như “Vì một Cần Giờ xanh”, “Vì một Côn Đảo xanh” và kế hoạch phát triển mạng lưới chia sẻ phương tiện điện (car/bike sharing) tại 2 địa phương này.