Tuần qua giới doanh nghiệp, tài chính ngân hàng rúng động liên quan các thông tin về vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB. Đồng thời với đó loạt vụ án khác cũng đã bị truy tố như vụ 3 cha con ông Trần Quí Thanh nhà Tân Hiệp Phát, vụ Tân Hoàng Minh...

Vụ nhà Tân Hiệp Phát: Vụ án liên quan cha con ông Trần Quí Thanh đã có bước tiến mới. Ban đầu chỉ ông Trần Quí Thanh và một người con bị khởi tố, đến nay cả 3 cha con Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã bị truy tố liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt 767 tỷ đồng.

Tinh vi hơn khi cha con nhà Tân Hiệp Phát cho vay “núp bóng” các hợp đồng mua bán chuyển nhượng tài sản doanh nghiệp như bất động sản, dự án, cổ phần. Sau đó bằng các thủ đoạn, cố tình không trả lại hoặc chiếm đoạt tài sản.

Vụ án những tưởng đã “rẽ hướng” khi trước đó có thông tin khởi tố người tố cáo cha con ông Trần Quí Thanh. Tuy vậy, đây là một vụ án khác, và cái kết đã rõ.

Vụ Tân Hoàng Minh: Cơ quan cảnh sát điều tra đã chính thức truy tố 2 cha con Đỗ Anh Dũng và Đỗ Hoàng Việt cùng nhiều lãnh đạo trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chi tiết vụ việc, để mở rộng kinh doanh, Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo thành lập thêm 45 công ty, trong đó có cốt lõi là Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung Điện Mùa Đông.

Để "xoay” tiền, Dũng đã thống nhất chủ trương và Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo, lập nên hồ sơ sổ sách tài chính "đẹp", phát hành 9 lô trái phiếu tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Sau đó nhóm hệ sinh thái Tân Hoàng Minh đã “vẽ” nên giá trị, tìm cách nâng giá trị trái phiếu qua các vòng luân chuyển trước khi bán ra đến tay nhà đầu tư.

Cha con ông Dũng bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng. Mới đây, do tính chất của vụ án, Cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp ngăn chặn bảo lãnh đối với Đỗ Hoàng Việt.

Vụ Vạn Thịnh Phát, SCB: Đây có lẽ là vụ án rúng động nhất với con số khổng lồ. Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng; gây thiệt hại cho SCB hơn 415.000 tỷ đồng. Vụ án được tính vào TOP 3 vui án lừa đảo lớn nhất thế giới.

Liên quan vụ án, 86 người bị truy tố, trong đó có 45 cán bộ của Ngân hàng SCB trong đó có 3 cựu Chủ tịch Ngân hàng; nhiều lãnh đạo của cơ quan NHNN trong đó có cựu Cục trưởng cục II Ngân hàng Nhà nước.

Hậu quả để lại là con số khổng lồ. Kết quả xác minh hơn 1,06 triệu tỷ đồng được rút ra. Đến thời điểm khởi tố, dư nợ nhóm Trương Mỹ Lan hơn 677.286 tỷ đồng. SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 464.547 tỷ đồng.

Đáng chú ý là số tiền người dân gửi vào. Kết quả xác minh, SCB huy động tiền từ 50 chi nhánh, 184 phòng giao dịch trên cả nước nhưng cho vay chủ yếu là nhóm Trương Mỹ Lan, chiếm 93% tổng cho vay. Đến thời điểm khởi tố, số tiền người dân gửi vào SCB vẫn còn dư 511.262 tỷ đồng.

Để thực hiện, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm dần cổ phần, đến trên 91% vốn điều lệ của SCB, nhờ 27 cá nhân, tổ chức đứng tên. Từ nhân sự “biết nghe lời”, đến các khoản vay đều do Lan chỉ đạo. Phần lớn các khoản vay đều giải ngân trước, hoàn thiện hồ sơ sau.

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 vệ tinh vây quanh, còn có thêm các cá nhân được thuê/nhờ đứng tên các khoản vay. Có những địa chỉ trở nên “hot” như số 4 Nguyễn Thị Minh Khai khi là nơi đăng ký cho 84 cá nhân/pháp nhân vay với số tiền dư nợ đến thời điểm khởi tố, hay tòa nhà Times Square…

Gia đình Trương Mỹ Lan cũng tham gia sâu vào vụ án. Chồng Trương Mỹ Lan - ông Chu Lập Cơ - đã dùng toà nhà Times Square để đảm bảo cho 46 khoản vay. Dư nợ các khoản vay này còn 39.200 tỷ đồng. Toà nhà Times Square hiện có thể trở thành một trong những toà nhà “đắt đỏ” nhất Sài Gòn khi gánh khoản dư nợ khổng lồ này.

Hai cô con gái Chu Duyệt Hằng và Chu Duyệt Phấn, dù được khai là “không liên quan”, chỉ đứng tên tài sản, tuy vậy vị trí chức vụ của các cô không hề nhỏ. Tại hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, về chức vụ, cả 2 có tên trong HĐQT công ty cốt lõi trong vụ Vạn Thịnh Phát là tập đoàn VTP. Về tài sản, khối cổ phần mà 2 cô gái đứng tên tại hệ sinh thái này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Những cánh tay đắc lực cho Trương Mỹ Lan còn có cô cháu gái Trương Huệ Vân được nhắc tới nhiều nhất. Trương Huệ Vân đứng tên điều hành nhiều doanh nghiệp “lõi” trong hệ sinh thái, nhận nhiều mệnh lệnh trực tiếp từ Trương Mỹ Lan.

Về hối lộ, khoản tiền 5,2 triệu USD bà Đỗ Thị Nhàn nhận được khai “xếp đầy trong thùng xốp” mang đến. Ông Đinh Văn Thành, người được xem là cầu nối giữa Đỗ Thị Nhàn và Trương Mỹ Lan qua những cuộc giao tiếp.

Trước đó, có 7 cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB đã bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công án phát lệnh truy nã, trong đó có 2 cựu Chủ tịch ngân hàng là Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành.

Vụ Trịnh Văn Quyết: Dù tuần qua ngập tràn những tin truy tố các vụ án lớn, mới, nhưng vụ án cũ vẫn còn đó. Ở vụ Trịnh Văn Quyết, cơ quan điều tra xác định hơn 30.000 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS khi nhóm Quyết tung cổ phiếu lên sàn, vẫn còn lại hơn 4.000 nhà đầu tư nắm giữ hơn 82 triệu cổ phiếu khi Faros huỷ niêm yết.

Tuy vậy, nhóm 5 cổ phiếu FLC, AMD, GAB, ART, chưa được nhắc tới. Cơ quan điều tra đã yêu cầu giám định bổ sung, và xác định nhóm Quyết có hành vi thao túng thị trường chứng khoán với nhóm 5 cổ phiếu này. Và cũng yêu cầu giám định phương thức tính thiệt hại cho nhà đầu tư.

Kết quả trưng cầu giám định đã có, cũng là câu trả lời cho việc xác định thiệt hại cho nhóm nhà đầu tư giao dịch nhóm 5 cổ phiếu trên.

Những tin doanh nghiệp khác: Ngoài những tin nóng trong tuần liên quan các vụ khởi tố, thì doanh nghiệp tuần qua cũng có nhiều tin mới khác.

Bitexco: Liên quan dự án The Manor Central Park, Phó thủ tướng đề nghị UBND thành phố Hà Nội mời kiểm toán để kiểm toán hợp đồng BT với dự án này.

Amway: Bán hàng đa cấp, nhưng Amway ghi nhận kết quả vượt trội với hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu năm 2022, lọt TOP 3 những doanh nghiệp bán hàng đa cấp có doanh thu lớn nhất. Amways mới đây còn được nhận 2 giải thưởng danh giá liên quan sản phẩm và vị CEO gắn bó 15 năm cùng công ty.