Từ cuối tháng 4 đến nay, VN-Index đã tăng gần 90 điểm (+8,8%) - mạnh nhất sau gần 5 tháng; chỉ số đại diện sàn HOSE lần đầu trở lại mốc 1.100 điểm kể từ đầu tháng 2/2023.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì trên mức 18.000 tỷ đồng/phiên với dòng tiền lớn quay trở lại nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong tuần giao dịch từ 5 - 9/6, các nhóm chứng khoán - ngân hàng - bất động sản đều ghi nhận giá trị giao dịch tăng mạnh song sắc xanh không chia đều cho tất cả các mã ngành.

Vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở đâu?
Biểu đồ chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây

Nhóm ngân hàng kết tuần với 14 mã tăng và 13 mã giảm; thanh khoản toàn ngành đạt 961 triệu cổ phiếu (giá trị 19.400 tỷ đồng) trong đó SHB đứng đầu với hơn 210,6 triệu cổ phiếu được giao dịch.

Vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở đâu?
So với tuần tăng giá mạnh từ 29/5 - 2/6/2023, đà tăng của hầu hết cổ phiếu ngân hàng đã bị chặn lại trong tuần này

Thông tin giảm lãi suất huy động và việc một số ngân hàng như LPBank, HDBank, OCB,... được chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ trở thành câu chuyện chính được bàn luận ở nhóm cổ phiếu này.

Dù vậy, đó là câu chuyện của tuần trước...

Bước sang tuần giao dịch 12 - 16/6, sự sôi động đã không còn thấy ở các nhóm cổ phiếu trụ cột. Ngoại trừ y tế, dịch vụ bán lẻ và du lịch - giải trí, giá trị giao dịch trung bình 5 phiên gần nhất của các nhóm còn lại đều giảm trong đó ngân hàng thậm chí giảm tới 36%; các nhóm bất động sản, thép và chứng khoán cũng ghi nhận mức giảm từ 6 - 22%.

Vai trò của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở đâu?

Kết phiên 15/6/2023, VN-Index giảm nhẹ về 1.117 điểm; thanh khoản thị trường chỉ còn 15.100 tỷ đồng trong đó giá trị giao dịch tại nhóm ngân hàng chỉ ở mức 2.150 tỷ.

Sắc đỏ tiếp tục phủ bóng hầu hết cổ phiếu ngành này; chỉ còn sắc xanh nhạt của ACB, TCB, MSB, NAB, VCB và CTG. Dù vậy, VCB vẫn là trụ chính giúp thị trường giữ nhịp khi mã đã tăng 6 phiên liên tiếp (phiên sau phá đỉnh phiên trước).

Chia sẻ tại talkshow “Phố Tài chính” mới đây, ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho biết, VN-Index đang ở vùng kháng cự và việc vượt cản ngay lúc này là điều không dễ dàng, nhất là khi đã có một đợt tăng giá tương đối mạnh trong tháng 5 và đầu tháng 6. Do vậy, thị trường trong ngắn hạn sẽ cần thời gian để điều chỉnh và tích lũy.

Về triển vọng nhóm ngành, ông Khánh đánh giá sẽ không có ngành tăng theo chiều rộng mà chỉ tăng lẻ; nhóm ngân hàng sẽ phân hóa trong bối cảnh các nhà băng quốc doanh được dự báo có thể ghi nhận lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng tư nhân.

Theo ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh - CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thị trường chứng khoán đã lần lượt hoàn thành 2 phân đoạn gồm 1.020 - 1.060 điểm và 1.060 - 1.100 điểm. Ở thời điểm này, vai trò của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đã khác. Minh chứng rõ nhất là việc nhiều phiên giá trị giao dịch vượt 1 tỷ USD.

Cạn thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng tạm thời hết "lực"?
Ông Nguyễn Đức Nhân – Giám đốc Trung tâm kinh doanh - CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Vị chuyên gia nhấn mạnh, hiện tại là câu chuyện của dòng tiền lớn thay vì sự hưng phấn của dòng tiền chạy vào nhóm cổ phiếu mid/smallcap như hồi tháng 5. Đầu tư ở giai đoạn dưới 1.100 điểm thực chất là các động thái tích sản giá rẻ trong bối cảnh rộng của nền kinh tế. Hiện thanh khoản thị trường đã tăng lên và dòng tiền lớn có xu hướng đi vào nhóm vốn hóa lớn.

"Với riêng nhóm ngân hàng, sau phiên tăng mạnh ngày 2/6, nhóm này đã đi ngang với thanh khoản cạn dần trong gần 2 tuần trở lại đây. Tôi cho rằng, sự vận động này là hoàn toàn bình thường và nhà đầu tư có thể hy vọng vào sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nửa đầu tháng tới", ông Nhân đánh giá.