Vào sáng ngày 21/5/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Châu Gia Nghĩa, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) cùng đại diện tổ hợp các nhà thầu và đối tác đang hợp tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng bày tỏ mong muốn PowerChina đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch và hạ tầng chiến lược, đặc biệt là các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn và đường sắt đô thị. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nhằm kết nối với Côn Minh - Trùng Khánh (Trung Quốc) và mở rộng sang thị trường châu Âu.

Về phía PowerChina, ông Châu Gia Nghĩa cho biết Tập đoàn đang hoạt động tại hơn 130 quốc gia, tập trung vào 5 lĩnh vực chính gồm: thủy lợi - thủy điện, năng lượng điện lực, hạ tầng đô thị, khai khoáng và số hóa. Năm 2024, doanh thu toàn cầu của PowerChina đạt hơn 100 tỷ USD, xếp thứ 108 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Cũng trong năm 2024, PowerChina đã ký Bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Việt Nam gồm CTCP FECON (HoSE: FCN), Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng Công ty Sông Đà (UPCoM: SJG), Tổng Công ty Thăng Long (HNX: TTL) để thành lập Tổ hợp CVRail. Mục tiêu của tổ hợp này là nghiên cứu và tham gia các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia.

Với kinh nghiệm thi công hơn 2.000km đường sắt trên toàn cầu, PowerChina bày tỏ mong muốn được cùng 4 đối tác Việt Nam triển khai các dự án đường sắt trong nước, trước mắt là tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tập đoàn cam kết đảm bảo tiến độ, chất lượng, kiểm soát hiệu quả chi phí và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật, quản lý với các đối tác Việt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh các Tập đoàn lớn, uy tín của Trung Quốc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt. Trước mắt, Chính phủ định hướng ưu tiên tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và mong muốn PowerChina hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp đường sắt nội địa, từ chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, quản trị, vận hành cho đến đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Gặp Thủ tướng, Tập đoàn Trung Quốc ngỏ ý hợp lực cùng 4 doanh nghiệp Việt làm siêu dự án đường sắt 8 tỷ USD
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khởi công vào ngày 19/12/2025

Đáng chú ý, Thủ tướng đã ấn định thời điểm khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào ngày 19/12/2025. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng xây dựng đường găng tiến độ, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm tổ chức triển khai dự án một cách khoa học, bài bản và hiệu quả, góp phần hình thành ngành công nghiệp đường sắt tại Việt Nam.

Về các đầu việc cụ thể, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời khẩn trương chốt hướng tuyến và gửi tới các địa phương để triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với nguồn vốn, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần xây dựng nhiều phương án linh hoạt, huy động đa dạng các nguồn lực như: vốn vay, vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu, vốn đầu tư công và hợp tác công - tư (PPP).

Liên quan đến chuyển giao công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt, cần tiếp tục đàm phán với các đối tác để tập trung chuyển giao vào hai lĩnh vực trọng yếu là sản xuất đầu máy kéo và hệ thống thông tin tín hiệu.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án bài bản cho các chương trình đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, phù hợp với ba cấp độ: công nhân kỹ thuật, kỹ sư và tiến sĩ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kỹ thuật, địa chất, đất đai và mặt bằng. Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với phía Trung Quốc nhằm triển khai hiệu quả các tuyến đường sắt kết nối theo đúng tinh thần Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài khoảng 391km, gồm 3 tuyến nhánh dài tổng cộng khoảng 27,9km. Tổng mức đầu tư toàn tuyến là 203.231 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD).

Dự án dự kiến xây dựng 18 nhà ga (gồm 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp), cùng 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối trực tiếp với khu vực Tây Nam Trung Quốc - nơi có dân số hơn 500 triệu người và đang phát triển mạnh, từ đó mở rộng liên kết với mạng lưới đường sắt Á - Âu.