Chiều 9/7, tại Kỳ họp thứ 25, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn giai đoạn 2026–2030.
Theo đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách lên tới 241,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm 192,5 tỷ đồng, phần còn lại đến từ vốn đối ứng của doanh nghiệp hoặc các nguồn hợp pháp khác. Đây được xem là cơ chế riêng có của Hà Nội nhằm giải cứu và tiếp sức cho khu vực doanh nghiệp vốn đang chịu nhiều tổn thương trong bối cảnh tỷ lệ rút lui khỏi thị trường tăng mạnh, vượt xa tốc độ thành lập mới.
Theo báo cáo đến hết quý I/2025, Hà Nội có 407.798 doanh nghiệp đăng ký, trong đó 213.283 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 23% tổng số doanh nghiệp hoạt động trên cả nước. Trong số đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98,2%, tạo việc làm cho hơn 55% lao động và đóng góp trên 40% GRDP của thành phố.
![]() |
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp, Nghị quyết còn hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên, với mức hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tối đa 20 triệu đồng/người/năm. |
Tuy nhiên, bức tranh thực tế đang cho thấy nhiều gam màu xám: Số doanh nghiệp rời hoặc tạm rút khỏi thị trường tại Hà Nội tăng trung bình 24,29%/năm, vượt xa tỷ lệ thành lập mới và quay lại hoạt động (chỉ 7,02%/năm). Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui đã lên tới 58,79%, cao gấp đôi năm 2019. Hệ quả là tỷ trọng thu từ sản xuất – kinh doanh trong tổng thu nội địa của Hà Nội sụt giảm mạnh, từ 50,78% năm 2019 còn 44,75% năm 2023.
Đây chính là một trong những lý do khiến thành phố quyết liệt thiết kế gói chính sách “đo ni đóng giày” dành riêng cho nhóm DNNVV, với mục tiêu kép vừa kích hoạt động lực tăng trưởng vừa giữ chân lực lượng tạo ra phần lớn công ăn việc làm và ngân sách cho Thủ đô.
Chính sách mới của Hà Nội cũng đặt trọng tâm vào hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số, khoa học kỹ thuật và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung hoặc tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tối đa 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm; 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng, không quá 10 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp; 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển trí tuệ nhân tạo, tối đa 100 triệu đồng/học viên/năm. Tổng thời gian được hỗ trợ không quá 3 năm kể từ thời điểm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo – những ngành được xác định là chủ lực, cũng sẽ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng/năm cho các hợp đồng tư vấn chuyên sâu.
Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp, Nghị quyết còn hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên, với mức hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tối đa 20 triệu đồng/người/năm. Đây là một phần trong chiến lược dài hơi của Hà Nội nhằm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững, chuyên nghiệp hơn, bắt kịp xu hướng chuyển đổi số và đổi mới công nghệ toàn cầu.
Hiện Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, với khoảng 1.000 startup công nghệ, chiếm 26,3% tổng số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Trên địa bàn thành phố cũng tập trung tới 32 vườn ươm doanh nghiệp (chiếm 38,1% cả nước) và 14 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (accelerators), chiếm 40% cả nước, hoạt động đa ngành từ công nghệ số, y tế, nông nghiệp thông minh tới logistics và năng lượng sạch.
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030, được coi là đòn bẩy chiến lược để Hà Nội tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng GRDP tối thiểu 10% mỗi năm.