Từng là lựa chọn phụ của học sinh, sinh viên, xe máy điện giờ đây đang vươn mình trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô tại Việt Nam. Với sự gia nhập của các ông lớn như VinFast cùng hàng loạt thương hiệu nội địa và quốc tế, thị trường này đang bước vào giai đoạn cạnh tranh sôi động chưa từng có – nơi công nghệ, giá thành và khả năng thích ứng đóng vai trò quyết định.

Khái niệm "xe điện" bắt đầu từ 10 năm trước với những chiếc xe đạp điện giá bình dân

Phương tiện di chuyển sử dụng năng lượng điện bắt đầu phổ biến tại Việt Nam từ những năm 2005-2006, khởi đầu với xe đạp điện – giải pháp trung gian giữa xe đạp và xe máy, phục vụ chủ yếu cho học sinh trung học chưa đủ tuổi có bằng lái. Nhờ mức giá dễ tiếp cận (dưới 10 triệu đồng), khả năng di chuyển linh hoạt trong đô thị và có thể vừa sạc vừa đạp, dòng xe này nhanh chóng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trẻ.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của xe đạp điện khi ấy là dung lượng pin thấp, chỉ cho phép di chuyển 40–50 km mỗi lần sạc. Không lâu sau, các mẫu xe máy điện – phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc – cũng bắt đầu xuất hiện, với thiết kế mô phỏng các dòng tay ga nổi tiếng như SH, Vespa. Với giá thành rẻ, những chiếc xe đạp điện đời đầu có chất lượng linh kiện, độ bền pin và khả năng vận hành chưa cao khiến dòng sản phẩm này chủ yếu được xem là “giải pháp phụ” trong mỗi gia đình.

Không phải ô tô hay robot, một sản phẩm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường 10 tỷ USD tại Việt Nam
Từ 2005, xe đạp điện bắt đầu trở thành giải pháp di chuyển cho học sinh. Ảnh minh hoạ

Cột mốc đáng nhớ của thị trường xe máy điện Việt Nam đến vào cuối năm 2018 khi VinFast ra mắt mẫu Klara – chiếc xe máy điện đầu tiên được thiết kế bài bản, sử dụng linh kiện chất lượng cao từ các thương hiệu quốc tế như Bosch, LG, Nissin. Sự xuất hiện của Klara không chỉ đánh dấu bước chuyển mình của ngành xe điện, mà còn thay đổi cách nhìn của người tiêu dùng về một phương tiện từng bị đánh giá thấp.

Kể từ đó, nhiều thương hiệu nội địa khác như Pega, Dat Bike, EVGO… cũng lần lượt gia nhập thị trường, chọn cho mình các chiến lược khác biệt: từ thiết kế trẻ trung đến hiệu suất động cơ cao hay chính sách hậu mãi linh hoạt.

Thị trường xe máy điện đang tăng tốc: Cuộc đua tỷ USD đã nóng lên

Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường xe máy năng động nhất thế giới với hơn 50 triệu xe đang lưu hành. Theo dự báo của Research and Markets, giá trị thị trường xe máy Việt Nam có thể vượt mốc 10,2 tỷ USD vào năm 2030, phản ánh sức hút mạnh mẽ của ngành này với các nhà sản xuất trong và ngoài nước.

Theo dữ liệu từ Motorcycles Data, năm 2024 khép lại với doanh số đạt 2,9 triệu xe, tăng 4,9% so với năm trước. Trong đó, phân khúc xe máy điện ghi nhận nhiều điểm sáng, đặc biệt là dòng L1 (dưới 50cc) tăng trưởng tới 52,9%, nhắm vào nhóm học sinh, sinh viên nhờ sự tiện lợi và chi phí vận hành thấp. Ngược lại, phân khúc L3 (trên 50cc) lại giảm tới 25%.

Không phải ô tô hay robot, một sản phẩm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường 10 tỷ USD tại Việt Nam
Ước tính doanh số xe máy điện của Việt Nam đến năm 2039

Trong bối cảnh thị trường L3 thu hẹp, VinFast lại là điểm sáng khi doanh số xe máy điện năm 2024 tăng 147,8%, vượt qua các đối thủ như Pega, Yadea, Dibao. Riêng quý IV/2024, hãng bàn giao 31.170 xe, tăng 65% so với quý III, nâng tổng số xe cả năm lên 70.977 chiếc.

Không phải ô tô hay robot, một sản phẩm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường 10 tỷ USD tại Việt Nam
Doanh số xe máy điện của VinFast qua các quý năm 2023-2024

Không dừng lại ở đó, VinFast mở rộng dải sản phẩm với các mẫu mới như Feliz Neo (giá 31,9 triệu đồng) và Evo Lite Neo (18 triệu đồng), hướng đến khách hàng trẻ, không cần bằng lái. Hãng cũng chuyển từ mô hình cho thuê sang bán đứt pin, điều chỉnh giá bán xuống mức thấp nhất còn 14,9 triệu đồng, phù hợp với tâm lý sở hữu phổ biến tại Việt Nam.

Báo cáo của B&Company (Nhật Bản) đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường xe máy điện tiềm năng nhất toàn cầu, nhờ chính sách khuyến khích từ Chính phủ, nhận thức môi trường ngày càng cao và sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi thường xuyên đối mặt với ùn tắc và ô nhiễm không khí, người tiêu dùng – đặc biệt là giới trẻ, dân văn phòng và người yêu công nghệ – đang chuyển dịch mạnh sang xe máy điện.

Không phải ô tô hay robot, một sản phẩm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã âm thầm chiếm lĩnh thị trường 10 tỷ USD tại Việt Nam

Xe máy điện của VinFast 'được lòng' giới trẻ

Cùng với VinFast, nhiều cái tên khác cũng đang tăng tốc. Dat Bike, startup thuần Việt, đặt mục tiêu mở hơn 50 cửa hàng trong năm 2025, chủ yếu tại miền Bắc, với dòng xe Quantum S-Series phục vụ từ sinh viên đến người đi làm.

Không nằm ngoài xu hướng, Honda Việt Nam cũng chính thức bước vào thị trường với mẫu Icon e: giá từ 26,4 triệu đồng. Đặc biệt, hãng triển khai mô hình cho thuê xe điện học sinh CUV e, nhắm tới thị phần trẻ tuổi.

Từ sau năm 2021, xe máy điện tại Việt Nam không còn là lựa chọn phụ, mà đang trở thành xu hướng chính, nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố: giá xăng tăng, nhu cầu môi trường sạch, chính sách khuyến khích và sự cạnh tranh sôi động. Sự gia nhập của loạt tên tuổi lớn nội địa lẫn quốc tế đang tạo nên một thị trường tỷ USD đầy hứa hẹn.