Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm tiếp tục khẳng định vai trò là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, với kim ngạch trong 4 tháng đạt 1,27 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 4, xuất khẩu tôm đạt 330,8 triệu USD, tăng 15%. VASEP nhận định đà phục hồi này phần lớn đến từ sự tái cân bằng cung cầu toàn cầu và nhu cầu gia tăng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, EU và Nhật Bản.
Cá tra vẫn giữ vị trí quan trọng với kim ngạch 632,7 triệu USD trong 4 tháng, tăng 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với nhiều mặt hàng khác, đặc biệt trong tháng 4 chỉ đạt 167,7 triệu USD, gần như đi ngang so với năm ngoái. Nguyên nhân được cho là nhu cầu tiêu thụ chưa thực sự bứt phá, trong khi các thị trường lớn như Mỹ đang có động thái siết chặt nhập khẩu với mức thuế cao.
Điểm nhấn nổi bật của ngành thủy sản trong đầu năm nay là sự bứt phá mạnh mẽ của cá rô phi và cá điêu hồng, những loại cá từng bị xem nhẹ do giá trị thấp và tiêu thụ nội địa là chủ yếu. Trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hai mặt hàng này đạt 19 triệu USD, tăng đột phá 138% so với cùng kỳ.
![]() |
Cá "ao làng" rô phi đang được định hướng phát triển đa dạng hóa sản phẩm. Ảnh minh họa |
Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cá rô phi đang được định hướng phát triển để đa dạng hóa sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào tôm và cá tra. Cả nước hiện có 30.000 ha nuôi cá rô phi, với sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030 là nâng diện tích lên 40.000 ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. Trong quý II/2025, nhiều mô hình nuôi cá rô phi theo hướng bền vững, hiệu quả cao sẽ được triển khai, giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn và tăng tỷ lệ sống.
Cùng với cá rô phi, nhóm nhuyễn thể (chân đầu, có vỏ) và cua ghẹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhuyễn thể đạt 216,4 triệu USD (tăng 18%), cua ghẹ đạt 112,1 triệu USD (tăng 50%) và sản phẩm chân đầu như bạch tuộc đạt 83,1 triệu USD (tăng 82%). Nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc và khối ASEAN là yếu tố then chốt giúp nhóm sản phẩm này mở rộng thị phần.
Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng qua, với tổng kim ngạch đạt 709,8 triệu USD (tăng 56%). Sản phẩm chủ lực xuất sang thị trường này gồm tôm, cua ghẹ và nhuyễn thể phục vụ phân khúc cao cấp.
![]() |
Thủy sản Việt "chạy nước rút" trước khi thuê quan Mỹ có hiệu lực. Ảnh minh họa |
Nhật Bản giữ vị trí thứ hai với 536,6 triệu USD (tăng 22%), tiếp tục chuộng các sản phẩm giá trị gia tăng. EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, lần lượt đạt 351,5 triệu USD (tăng 17%) và 264,1 triệu USD (tăng 15%), hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan trong EVFTA.
Ngược lại, thị trường Mỹ chỉ đạt 498,4 triệu USD (tăng 7%), với tháng 4 sụt giảm 15% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là do các rào cản kỹ thuật và chính sách thuế quan đối ứng, đặc biệt mức thuế chống bán phá giá lên đến 46% áp lên nhiều sản phẩm cá và tôm.
Theo bà Lê Hằng, Phó Tổng thư ký VASEP, từ nay đến trước ngày 9/7/2025 – thời điểm chính sách thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh ký kết hợp đồng và xuất hàng sớm sang Mỹ. Dự kiến kim ngạch tháng 5 và 6 có thể tăng 10–15% so với tháng 4 nhờ chiến lược hạ giá và tăng sản lượng.
Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA đang mở ra cơ hội lớn để giảm thiểu tác động từ thị trường Mỹ, bằng cách mở rộng sang EU, Nhật Bản, ASEAN.
Một điểm sáng khác là sản phẩm cá tra khô xông khói (Smoked Panga Jerky) của Công ty TNHH CBTP XK Vạn Đức Tiền Giang đã lọt vào top 40 sản phẩm bán lẻ xuất sắc tại cuộc thi Seafood Excellence Global 2025, diễn ra ở Barcelona (Tây Ban Nha). Đây là minh chứng cho thấy hướng đi tập trung vào giá trị gia tăng đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho ngành thủy sản Việt.