Hóa chất Đức Giang (DGC): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 128.139 đồng/cp

Trong quý I/2025, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 16,2% so với quý trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 837 tỷ đồng, tăng 6,6% so với quý trước và 18,9% so với cùng kỳ. Con số này lần lượt hoàn thành 27% và 28% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm của công ty.

Theo Chứng khoán Yuanta, kết quả tích cực này chủ yếu đến từ sự cải thiện giá bán bình quân ở nhiều phân khúc sản phẩm, đặc biệt là phốt pho vàng (P4) – nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu với P4 tăng cao, bất chấp bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cụ thể, giá bán P4 tại thị trường Đông Á đạt 4,3 USD/kg, tăng 3% so với quý trước, còn tại Ấn Độ đạt 4,1 USD/kg, tăng 5%. Bên cạnh đó, giá phân bón DAP/MAP cũng tăng trung bình 7–10,5% trong quý, được hỗ trợ bởi lệnh hạn chế xuất khẩu DAP/MAP từ Trung Quốc kể từ tháng 12/2024 đến nay – và hiện chưa có dấu hiệu được dỡ bỏ.

Biên lợi nhuận gộp của DGC trong quý I đạt 34,9%, tăng 1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nhờ giá bán cải thiện và nguồn cung quặng ổn định trở lại.

Tính đến hết tháng 3/2025, tổng lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền (bao gồm tiền gửi ngân hàng) của DGC đạt 11.300 tỷ đồng, chiếm tới 68% tổng tài sản, cho thấy bảng cân đối tài chính rất vững mạnh.

Cổ phiếu đáng chú ý 7/5: DGC, MWG, HPG
Yuanta dự phóng các chỉ tiêu tài chính của DGC trong giai đoạn 2025-2026

DGC dự kiến doanh thu quý II/2025 đạt 2.800 tỷ đồng, tương đương quý trước, trong khi LNST dự kiến đạt 800 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,4% so với quý I nhưng vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước.

Yuanta đánh giá, việc xuất khẩu chiếm 68,4% tổng doanh thu năm 2024 của DGC – chủ yếu đến từ các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – là lợi thế lớn trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ. Đặc biệt, doanh thu từ thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 3%, và các sản phẩm của DGC phục vụ ngành bán dẫn – hiện đang được miễn thuế đối ứng – nên DGC gần như không bị ảnh hưởng từ chính sách thuế mới.

Với triển vọng tích cực từ ngành bán dẫn và tài chính lành mạnh, Yuanta khuyến nghị mua cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 128.139 đồng/cp.

Thế giới Di động (MWG): Khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 75.100 đồng/cp

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của MWG tích cực hơn kỳ vọng của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Cụ thể, doanh thu thuần đạt 36.135 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.546 tỷ đồng, tăng mạnh 71%. Các con số này hoàn thành 24% và 32% kế hoạch cả năm.

Mảng điện thoại – điện máy (ĐT-ĐM) hồi phục ấn tượng, doanh thu tăng 14% dù số lượng cửa hàng giảm 7% so với cùng kỳ. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tăng trên 15%. Nhờ tiết giảm chi phí, lợi nhuận mảng này tăng hơn 70% theo ước tính của BVSC.

MWG đang tích cực mở rộng thị phần bằng cách cung cấp giải pháp mua sắm mới, cải tiến chính sách đãi ngộ và tăng cường quan hệ với nhà cung cấp. Mục tiêu nâng thị phần từ 50–60% hiện tại lên 70–80% trong vòng 5 năm.

Bách Hoá Xanh (BHX) tiếp tục mở rộng, ghi nhận doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ. Đến cuối quý I, BHX có 2.002 cửa hàng, trong đó 50% số mở mới tập trung ở miền Trung. BVSC kỳ vọng BHX hoàn tất kế hoạch mở 400 cửa hàng trong 6 tháng đầu năm, sau đó tập trung cải thiện biên lợi nhuận.

Một số chuỗi khác cũng cho thấy kết quả khả quan. AvaKids và EraBlue đã có lợi nhuận, còn An Khang thu hẹp đáng kể khoản lỗ.

Cổ phiếu đáng chú ý 7/5: DGC, MWG, HPG
BVSC dự phóng kết quả kinh doanh của MWG trong năm 2025

BVSC điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận cả năm lên 5.316 tỷ đồng (+43% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 151.137 tỷ đồng (+13%). Riêng mảng BHX dự báo đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận – điều chỉnh giảm so với mức 741 tỷ đồng trước đó, do tác động ngắn hạn từ việc mở rộng nhanh hệ thống.

BVSC duy trì khuyến nghị khả quan với MWG, giá mục tiêu 75.100 đồng/cp. Ngoài kết quả kinh doanh tích cực, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ trong tháng 5/2025 cũng sẽ là động lực hỗ trợ giá cổ phiếu.

Hòa Phát (HPG): Khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 33.000 đồng/cp

Quý I/2025, Hòa Phát ghi nhận sản lượng tiêu thụ tăng mạnh, đạt 2,7 triệu tấn (+25% so với cùng kỳ). Trong đó, sản lượng thép xây dựng tăng 30%, HRC tăng 23%. Do giá bán giảm nhẹ (5% với thép xây dựng, 1% với HRC), doanh thu đạt 37.000 tỷ đồng, tăng 15%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện lên 13,6% nhờ chi phí đầu vào giảm nhanh hơn giá bán.

Lợi nhuận ròng đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 15%, hoàn thành 18% kế hoạch năm. MBS dự báo sản lượng tiếp tục tăng trong năm 2025–2026 nhờ nhu cầu trong nước phục hồi. Tuy nhiên, giá bán thấp khiến MBS điều chỉnh giảm nhẹ biên lợi nhuận và lợi nhuận ròng (giảm 7% cho 2025 và 6% cho 2026).

Cổ phiếu đáng chú ý 7/5: DGC, MWG, HPG
MBS dự phóng kết quả kinh doanh của HPG trong giai đoạn 2025-2026

Dù vậy, lợi nhuận ròng dự báo vẫn tăng mạnh: tăng 42% năm 2025 và 31% năm 2026. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm: Sản lượng Dung Quất 2 và các chính sách chống bán phá giá từ Chính phủ.

MBS duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 33.000 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 33% trong 12 tháng. Các rủi ro đáng lưu ý là giá thép Trung Quốc giảm sâu và thị trường bất động sản trong nước phục hồi chậm hơn dự kiến.