Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh Tây Ninh và Long An sẽ hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An hiện nay.

Vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024). Theo đó, Hải Phòng dẫn đầu danh sách với 74,84 điểm; ở vị trí thứ hai là Quảng Ninh với 73,2 điểm và Long An xếp thứ ba là 72,64 điểm. Trong khi đó, Tây Ninh xếp ở vị trí thứ 20 với 68,78 điểm.

Ngoài ra, trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2024 ghi nhận những chuyển biến tích cực từ nhiều địa phương như Hà Nam lần đầu tiên đạt vị trí thứ 22 (68,61 điểm); Thái Bình cũng quay trở lại top 30 sau 3 năm với 67,87 điểm.

Long An vừa vượt Tây Ninh ở một chỉ số quan trọng
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Gần đây, tại kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh đã chính thức thông qua Nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và cấp tỉnh của Tây Ninh năm 2025.

Đối với đề án sáp nhập cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, HĐND tỉnh đã đồng thuận cao với phương án trình bày này.

Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh (mới) sẽ có diện tích tự nhiên 8.536,5km2 và dân số hơn 3,28 triệu người.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, việc hợp nhất không chỉ nhằm mở rộng không gian phát triển mà còn giúp tập trung nguồn lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, từ đó tạo đà phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và mạnh mẽ hơn.

Hai tỉnh này đề nằm sát biên giới Campuchia, đóng vai trò cửa ngõ giao thương chiến lược của Việt Nam với các nước ASEAN. Bên cạnh đó, hai tỉnh đều có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đệm trung gian giữa cao nguyên và đồng bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ logistics.

Với những lợi thế về địa lý, hạ tầng đồng bộ cùng với chủ trương phát triển đúng đắn, Long An đang vươn mình phát triển, nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, Tây Ninh đang khẳng định vai trò chiến lược trong quốc phòng – an ninh, cửa ngõ giao thương quốc tế.

Bên cạnh đó, về lịch sử hình thành, Tây Ninh và Long An từng là một phần của phủ Gia Định triều đại Vua Minh Mạng. Cùng với đó, hai tỉnh đề có điểm tương đồng về bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng “trung dũng, kiên cường”.