![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Dệt may Việt Nam và tín hiệu mới từ ông Trump
Cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra tuyên bố gây chú ý: "Mỹ không hướng tới sản xuất giày thể thao và áo phông". Ông nhấn mạnh, thay vì tập trung vào dệt may, nền kinh tế Mỹ cần chú trọng vào các ngành chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính, thiết bị quân sự, xe tăng, tàu thủy… – những lĩnh vực công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn.
“Chúng tôi không nhất thiết cần một ngành dệt may bùng nổ”, ông Trump nói thẳng.
Tuyên bố này lập tức tạo sóng trong giới đầu tư quốc tế, đặc biệt tại Việt Nam – quốc gia đang là đối tác xuất khẩu dệt may lớn nhất vào Mỹ. Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong quý I/2025, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch 3,78 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
Giới chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá, việc Mỹ muốn “nhường sân” sản xuất dệt may cho các quốc gia khác có thể mở ra cơ hội mới cho chuỗi cung ứng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chuỗi sản xuất khu vực đang phân mảnh vì thương chiến Mỹ – Trung.
Tại Hội thảo chuyên đề tháng 5 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức, Chủ tịch HĐQT Lê Tiến Trường cho biết xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tháng 4 đạt 3,64 tỷ USD – tăng 15% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch 4 tháng đầu năm lên 13,9 tỷ USD, tăng 11%.
Ông Trường nhận định, từ nay đến thời điểm 10/7 – mốc kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế 90 ngày – Mỹ có thể đưa ra chính sách thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam. "Cơ hội vẫn còn, vấn đề là hiệu quả đàm phán của Bộ Công Thương và Chính phủ", ông nói.
Theo Phó Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex Hoàng Mạnh Cầm, tồn kho thực tế tại thị trường Mỹ hiện ở mức thấp, nhiều thương hiệu lớn chỉ còn đủ hàng cho 6-8 tuần. Nguồn cung cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm đang thiếu hụt rõ rệt, đặc biệt là dòng hàng sweaters (áo ấm) vốn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang gặp khó: Pakistan rối ren chính trị, Bangladesh thiếu điện khiến nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa. Đáng nói, chính quyền Bangladesh chưa có động thái rõ ràng trong đàm phán thuế quan với Mỹ.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn. Ông Cầm cho biết sức mua tại Hàn Quốc và Trung Quốc chưa phục hồi; các chính sách thuế của Mỹ vẫn đầy bất định; trong khi giá điện trong nước vừa điều chỉnh tăng từ ngày 10/5/2025 đang làm đội chi phí cho doanh nghiệp, nhất là khối sản xuất sợi.
Cổ phiếu dệt may đồng loạt dậy sóng
Tại mùa Đại hội cổ đông thường niên 2025, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dệt may thẳng thắn đề cập đến sức ép từ chính sách thuế của Mỹ. Ông Bùi Đức Thịnh – Chủ tịch CTCP May Sông Hồng (MSH) – nhận định: “Khó có doanh nghiệp nào có thể tồn tại với mức thuế đối ứng 46% như Mỹ công bố. Không chỉ doanh nghiệp Việt mà cả nhà nhập khẩu Mỹ cũng khó tránh phá sản.”
Là đơn vị có gần 12.000 nhân sự, MSH cho biết đang nỗ lực điều chỉnh chiến lược để thích ứng. Theo ông Thịnh, doanh nghiệp đang tính toán đầu tư liên doanh mảng dệt vải để tự chủ nguyên liệu, đồng thời đàm phán lại với khách hàng trong chuỗi cung ứng để chia sẻ rủi ro. "Mỗi bên san sẻ một phần lợi nhuận để vượt qua giai đoạn khó khăn – đó là cách duy nhất", ông nói.
Những tín hiệu tích cực bước đầu đã được thị trường phản ánh. Phiên giao dịch ngày 26/5, cổ phiếu dệt may giao dịch bùng nổ: VGT, TNG, HTG, TCM, MSH, GIL đều tăng trần; các mã M10, HSM, VGG, STK, HDM, ADS, TVT… cũng tăng từ 3–7%.
Trạng thái hưng phấn tiếp tục lan rộng trong phiên 27/5 bất chấp VN-Index rung lắc. Cổ phiếu PTG, HTG tăng trần; TNG, VGT, TCM tăng trên 6%; nhóm MSH, STK, GIL, HDM cũng duy trì mức tăng mạnh 2–5%.
Đằng sau những con số là kỳ vọng lớn hơn: Việt Nam có thể trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi Mỹ chuyển hướng chiến lược công nghiệp. Nếu Chính phủ tận dụng tốt dư địa thương mại, còn doanh nghiệp đủ nhanh nhạy để thích ứng về sản xuất và giá vốn, ngành dệt may hoàn toàn có thể biến "cơn bão thuế quan" thành động lực tăng trưởng trong trung – dài hạn.