Trước những thông tin tích cực công bố về GDP và CPI quý 3, thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến tiêu cực. Theo đó, VN-Index rơi mạnh ngay phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi mất gần 46 điểm. Chỉ số tiếp tục giảm điểm trước khi hồi phục vào phiên thứ Tư (5/10/2022). Tuy nhiên, mức độ hồi phục này là không đủ, khi ở hai phiên giao dịch cuối tuần chứng khoán lại chìm trong sắc đỏ.

Tính chung tuần này, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, chỉ số chính đã bị "thổi bay" 97 điểm so với cuối tuần trước, lùi về mốc 1.035 điểm. Như vậy, VN-Index đã giảm 18% trong vòng 1 tháng qua, trở thành chỉ số giảm mạnh nhất trong số các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu.

Để có góc nhìn tổng quan hơn về thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.

Ông Lã Giang Trung: 'Giữ quan điểm VN-Index về 950 điểm'
CEO Passion Investment Lã Giang Trung. Ảnh VTVgo.

Theo ông, vì sao VN-Index giảm mạnh và những thông tin tăng trưởng GDP quý 3 kỷ lục không tác động tích cực lên thị trường?

Ông Lã Giang Trung: Đối với những người làm chính sách, GDP tăng trưởng cao đã chứng tỏ mức hồi phục đáng kể so với năm ngoái, vấn đề hỗ trợ cho tăng trưởng không còn là ưu tiên hàng đầu, mà là ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Do đó, đối với thị trường chứng khoán, đây không phải thông tin quá tốt.

Việc thị trường giảm mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu do chính sách tiền tệ thắt chặt, dẫn đến thanh khoản giảm. Khi dòng tiền rút ra khỏi thị trường thì các kênh rủi ro như chứng khoán giảm điểm là điều bình thường.

Cách đây không lâu ông từng dự báo VN-Index về 950. Tới nay ông có thay đổi quan điểm này không, cơ sở nào để đưa ra dự báo này? Dự báo của ông về diễn biến VN-Index trong ngắn, trung và dài hạn?

Ông Lã Giang Trung: Quan điểm của tôi về việc VN-Index về mức 950 chưa thay đổi. Cơ sở dự báo này dựa vào quá trình bắt đầu từ tháng 3/2022, Fed đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này ảnh hưởng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Chính sách thắt chặt sẽ làm giảm thanh khoản. Quá trình vừa qua là thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ và thị trường chứng khoán giảm từ đấy cho đến bây giờ. Quá trình đi xuống này sẽ dừng lại khi việc thắt chặt tiền tệ dừng lại và chuyển sang nới lỏng.

Trong ngắn hạn, biến động của các chỉ số phụ thuộc vào thời gian áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, thời gian áp dụng lâu thì thị trường sẽ còn đi xuống sâu.

Nếu xét trong trung hạn (1 năm), VN-Index sẽ tốt hơn so với thời điểm hiện tại bởi theo dự báo đến tháng 3/2023, Fed sẽ dừng chính sách thắt chặt tiền tệ, lúc đó thị trường sẽ đi lên. Tất nhiên thị trường sẽ có lúc tăng lúc giảm, như vừa qua từ 1.530 xuống quanh mức 1.030, song khi kinh tế phát triển thì về dài hạn chứng khoán tất nhiên sẽ tiếp tục tăng trưởng và hoàn toàn có thể vươn lên đỉnh cao mới.

VN-Index giảm 19% từ khi áp dụng T+2,5 tới nay. Nhà đầu tư cho rằng "hàng" về phiên chiều gây ra áp lực bán rất lớn, theo ông thế nào?

Ông Lã Giang Trung: Theo tôi quan điểm này chưa đúng. Mọi người thường nghĩ cổ phiếu về tài khoản buổi chiều khiến áp lực bán lớn, song bản chất lực bán buổi chiều không phải chỉ của riêng "hàng" về T+2,5, mà bao gồm rất nhiều phiên trước đó nữa. Khi thị trường giảm, các công ty chứng khoán có xu hướng Call Margin hoặc Force Sell vào đầu buổi chiều để thu tiền về, động thái này khiến rất nhiều phiên diễn biến tiêu cực hơn trong phiên chiều.

Dù vậy, điều này không phải bây giờ mới diễn ra, năm 2018 và các năm trước nữa, Force Sell vẫn hay diễn ra vào cuối giờ giao dịch. Nghĩa là khi thị trường không còn khả năng hồi phục vào cuối ngày nữa, áp lực bán sẽ gia tăng vào cuối phiên chứ không phải do T+2,5.

Thời gian gần đây thanh khoản thị trường cơ sở giảm mạnh, trong khi thanh khoản phái sinh tăng đột biến, lên tới 30.000-40.000 tỷ mỗi phiên, nhà đầu tư bức xúc rằng các "tay to" phái sinh đang thao túng thị trường cơ sở, ông đánh giá thế nào?

Ông Lã Giang Trung: Thị trường phái sinh hiện tại đã rất lớn và không có một tay to nào có thể thao túng thị trường. Nếu tham gia thị trường cơ sở trong giai đoạn giảm điểm thì cơ hội để kiếm lợi nhuận rất ít, điều này dẫn đến những nhà đầu tư muốn kiếm tiền thường có xu hướng chuyển sang thị trường phái sinh để mở vị thế bán (Short) bởi nếu đoán đúng vẫn có thể sinh lời.

Bản chất là khi thị trường đi xuống, dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nơi có khả năng kiếm được lợi nhuận-là thị trường phái sinh. Tóm lại thanh khoản phái sinh tăng lên là do cơ hội trên cơ sở đang ít đi.

Passion Investment tới nay có hiệu quả hoạt động vượt trội so với thị trường, do phần lớn danh mục là tiền. Các ông vừa qua đã giải ngân chưa, hay vẫn kiên định tới 950 điểm?

Ông Lã Giang Trung: Hiện chúng tôi chưa giải ngân. Trước đó vào tháng 7, khi thị trường hồi phục, chúng tôi có giải ngân một phần song cũng đã bán hết.

Trong xu hướng thị trường đang đi xuống, việc giải ngân thực chất là hoạt động bắt đáy vào đợt sóng hồi. Tuy vậy, rủi ro hiện khá cao. Nếu có giải ngân, chúng tôi chỉ tham gia một tỷ trọng rất nhỏ. Còn việc có kiên định tới 950 không, thì bản chất không phải về mặt điểm số mà điều quan trọng là xu hướng. Khi xu hướng đổi chiều thì kể cả mốc 1.000 điểm vẫn có thể tham gia đầu tư. Và như tôi đã nói, xu hướng chỉ thay đổi khi chính sách tiền tệ không còn thắt chặt nữa!

Passion Investment có tham gia thị trường phái sinh hay không, quan điểm của ông về thị trường này ra sao?

Ông Lã Giang Trung: Passion Investment có tham gia vào thị trường phái sinh. Cần phải nhấn mạnh rằng đây là thị trường rất khó và độ rủi ro cao, nhà đầu tư không nên tham gia vào thị trường này quá nhiều.

Lời khuyên của ông dành cho các nhà đầu tư hiện nay? Đặc biệt với những nhà đầu tư đang "kẹp hàng" vùng giá cao.

Ông Lã Giang Trung: Trước khi hiểu được thị trường và cách vận hành của nó thì bản thân tôi cũng đã có gần 15 năm thăng trầm. Để quản trị được rủi ro thị trường thì ai cũng như nhau thôi, đều phải trải qua nhiều đau đớn mới tích luỹ được đủ kinh nghiệm.

Với những nhà đầu tư đang sử dụng margin, bắt buộc phải giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Với nhà đầu tư đang cầm 100% cổ phiếu, có thể giảm một nửa danh mục, ưu tiên cầm tiền để nắm bắt cơ hội tại các cổ phiếu tiềm năng hơn. Xác suất để chỉ số VN-Index giảm sâu hơn rất nhiều so với hiện tại không còn cao, nhà đầu tư nên bình tĩnh và nắm giữ tỷ trọng tiền mặt ở mức hợp lý để cơ cấu danh mục.

Xin cảm ơn ông!