Tại Diễn đàn Tăng trưởng Kinh tế Việt Nam 2025, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chỉ ra những thách thức mà ngành thủy sản đang đối mặt, đặc biệt là áp lực từ thuế đối ứng của Mỹ.

Cụ thể, ngành tôm - mặt hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch khoảng 1 tỷ USD/năm vào Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng lên tới 20%. Dù một số kết quả sơ bộ trong vụ kiện chống bán phá giá mang lại tín hiệu tích cực, thách thức vẫn rất lớn khi phía Mỹ từ chối tiếp nhận hồ sơ do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp.

“Hiện họ (Mỹ) không tiếp nhận hồ sơ của chúng ta. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ không xem xét những tài liệu đầy đủ, minh bạch và có số liệu rất rõ ràng. Nhưng nếu họ không xem thì chúng ta sẽ bị đánh giá thấp. Chúng tôi rất mong Chính phủ có văn bản chính thức gửi phía Mỹ, đề nghị họ tiếp nhận hồ sơ” - ông Nam nói.

Ông Trần Lưu Quang: Không nước nào đánh bắt cá nhỏ như Việt Nam, có nên đóng cửa biển 3 năm chờ cá lớn?
Ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Ngoài ra, ông Nam còn đề xuất tháo gỡ 4 nhóm vấn đề xoay quanh thị trường, công nghệ, thể chế và chuỗi cung ứng.

Thứ nhất, về mở rộng thị trường xuất khẩu. Thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba toàn cầu về nguồn cung. Tuy nhiên, nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc đang có những biến động khó lường. Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt tại 4 khu vực chiến lược: Trung Đông, Nam Mỹ, ASEAN và các thị trường mới nổi như Anh. Ngoài ra, cần rà soát lại các cam kết thương mại còn bất lợi, đơn cử như hạn ngạch nhập khẩu quá thấp tại Hàn Quốc đang khiến hàng Việt mất lợi thế cạnh tranh.

Thứ hai, về phát triển công nghệ cao trong nuôi trồng. Ngành tôm đang nổi lên như một lĩnh vực chiến lược, với mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu suất vượt trội so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và quỹ đất. VASEP đề xuất áp dụng lãi suất ưu đãi 2% trong 3 năm đầu và 5% cho toàn bộ vòng đời vay, đồng thời tháo gỡ các rào cản về hạn điền và quy hoạch, nhất là trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai và Luật Quy hoạch.

Thứ ba, tạo động lực mới cho ngư dân. Trong 5 năm qua, ngành thủy sản duy trì kim ngạch xuất khẩu 9 - 10 tỷ USD mỗi năm, nhưng đang thiếu động lực tăng trưởng đột phá. Một rào cản lớn là quy định phân vùng khai thác biển chưa sát thực tế, khiến nhiều tàu cá bị giới hạn hoạt động do bất cập giữa vùng lộng và vùng khơi. Điều này gây gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến sản phẩm khó đạt chuẩn truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu.

Thứ tư, củng cố chuỗi cung ứng và xuất khẩu sự xác tín. Chuỗi cung ứng ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển tương đối toàn diện, từ nuôi trồng, khai thác, chế biến đến truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu xanh và minh bạch. Trong bối cảnh các thị trường lớn ngày càng siết tiêu chuẩn nhập khẩu, ông Nam nhấn mạnh: “Điều quan trọng hiện nay không chỉ là xuất khẩu hàng hóa, mà là xuất khẩu sự minh bạch, sự tin cậy - xuất khẩu sự xác tín của sản phẩm Việt Nam”.

Có nên đóng cửa biển 3 năm chờ cá lớn?

Ông Trần Lưu Quang: Không nước nào đánh bắt cá nhỏ như Việt Nam, có nên đóng cửa biển 3 năm chờ cá lớn?
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương

Lắng nghe phần trình bày của ông Nguyễn Hoài Nam, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đánh giá cao các đóng góp và ghi nhận toàn bộ đề xuất. Ông nhấn mạnh rằng dù ngành thủy sản không phải lĩnh vực có kim ngạch lớn nhất trong nhóm 6 ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng lại gắn liền với sinh kế của hàng triệu người dân, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đánh giá đề xuất tạo động lực cho ngư dân, ông Quang gợi mở: “Tôi chỉ xin chia sẻ một điều: thay vì tiếp tục khai thác, tại sao chúng ta không chuyển sang nuôi trồng? Bởi vì hiện nay ngư trường của chúng ta rất nghèo, thậm chí nghèo kiệt. Không có nước nào như chúng ta bắt con cá lên nhỏ đến như vậy. Có lẽ đã đến lúc cần suy nghĩ có nên đóng cửa biển trong 3 năm để cá lớn rồi mới đánh bắt tiếp?”.