Theo Thông báo, Phó Thủ tướng ghi nhận, hoan nghênh tỉnh Kiên Giang đã chủ động, nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc kết luận của Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, đồng thời chủ động đề xuất những cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang rà soát tổng thể những vấn đề cốt lõi, cần gìn giữ ở Phú Quốc như du lịch sinh thái, du lịch đẳng cấp quốc tế; Phú Quốc phải tiên phong trong việc xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi số trước năm 2027 và chuyển đổi xanh trước năm 2030; hướng tới Đảo Phú Quốc không có xe sử dụng nhiên liệu xăng, dầu (cả xe hơi và xe máy), là một trong những hòn đảo có môi trường tốt nhất thế giới.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuần lễ cấp cao APEC 2027 được tổ chức ở Phú Quốc. Đây là cơ hội lớn để Phú Quốc bứt phá mạnh mẽ, phát triển xứng tầm, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2027 phải gắn liền với sự phát triển Phú Quốc, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, không chỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà còn hướng tới 100 năm sau.

Bên cạnh đó, phấn đấu xây dựng thành phố Phú Quốc trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế, nằm trong top 10 đảo lớn và hấp dẫn nhất thế giới, sánh tầm với những địa danh nổi tiếng như Bali, Phuket…

Phú Quốc sẽ trở thành đảo không có xe chạy bằng xăng, dầu
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Phó Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn các dự án, công trình phải phân thành 2 nhóm lớn:

Nhóm 1: Các dự án cấp bách, trực tiếp phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027, cần phải ưu tiên đầu tư, triển khai ngay.

Nhóm 2: Các dự án vừa gián tiếp phục vụ APEC vừa góp phần đạt các mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững của Phú Quốc.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có phương án khai thác, hiệu quả, sử dụng lâu dài các công trình, dự án sau khi Tuần lễ cấp cao APEC 2027 kết thúc.

Bên cạnh đó, các dự án cần xác định lộ trình, thời gian hoàn thành để đạt được mục tiêu; xác định thứ tự ưu tiên và cân đối nguồn lực để triển khai hiệu quả bảo đảm mục tiêu kép là tổ chức thành công Hội nghị APEC 2027, đồng thời kiến tạo gắn liền với sự phát triển bền vững của Phú Quốc và đất nước.

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang hợp nhất thành tỉnh mới, lấy tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Ngày 21/4, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành chủ trì họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang (đột xuất) về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Phương án sắp xếp thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Kiên Giang và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh An Giang.

Sau sáp nhập, tỉnh An Giang mới có diện tích tự nhiên 9.888,91 km2, quy mô dân số 4.952.238 người; đặt trung tâm hành chính - chính trị tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.

Theo đó, tỉnh An Giang mới sẽ trở thành tỉnh có diện tích rộng nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.